Trước đó, bệnh nhân Lê H. (sinh năm 2005, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khó thở, tức ngực, không nằm ngửa được, phải thường xuyên ngủ ngồi.
Cách đây 6 tháng, bệnh nhân đau ngực, khó thở nhưng do dịch COVID-19 nên gia đình không đưa bệnh nhân đi bệnh viện. Sau đó, tình trạng đau ngực và khó thở tăng nên bệnh nhân đi khám phát hiện khối u trong lồng ngực. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng 6 đợt hóa chất nhưng thể tích khối u không giảm nên đã chuyển đến Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị phẫu thuật.
Qua đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực nhận thấy có khối u khổng lồ khả năng từ trung thất phát triển lớn về khoang lồng ngực trái, chèn ép tim lệch về phía phải và xẹp gần hoàn toàn phổi trái.
Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực tiến hành phẫu thuật theo đường mở ngực sau bên ngực trái, bóc tách khối u bám chắc vào trung thất và phổi trái của bệnh nhân. Sau gần 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy trọn khối u, không để lại biến chứng gì. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở đều, dẫn lưu màng phổi trái ra ít dịch hồng. Bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục sau mổ, có thể xuất viện trong 5 ngày tới.
Bác sĩ Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ: “Đây là trường hợp phức tạp, gây khó khăn bởi khối u có kích thước lớn, nằm chiếm gần hết khoang lồng ngực, chèn ép tim và gây xẹp gần hoàn toàn phổi trái. Các bác sĩ phải làm sao để đảm bảo lấy trọn khối u mà không gây vỡ u, đảm bảo an toàn tránh các biến chứng”.
Bác sĩ Vũ cho biết, các khối u trung thất kích thước lớn như của bệnh nhân H. là trường hợp rất hiếm gặp.