Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.
Bệnh sởi rất dễ lây, do vậy cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là nơi tập trung đông trẻ em nên cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phụ huynh cần cách ly sớm và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Các gia đình không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo. Người mắc sởi cần được cách ly và chăm sóc y tế trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được cách ly tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm việc, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người). Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế.
Cục Y tế Dự phòng nêu rõ: Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh, cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.
Biểu hiện của bệnh là: Sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Trước đây, hầu hết trẻ em đều mắc sởi. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi tiêm vắc xin sởi trong nhiều năm đã khống chế thành công bệnh sởi.
Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 – 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín, hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin là bền vững. Miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong vòng từ 6-9 tháng sau khi ra đời...