Bé trai mắc bệnh hiếm, nổi hàng trăm mụn nước

Thấy con ho, sốt nên mẹ bé N. (1 tuổi, ngụ Bình Phước) đưa bé đến khám ở một phòng khám địa phương và được chỉ định thuốc điều trị viêm phổi. Tuy nhiên đến ngày thứ 4, da bé N. nổi bóng nước toàn thân, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu tại TP Hồ Chí Minh và được chẩn đoán mắc bệnh hiếm gặp.

Chiều 21/12, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hiền, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhi N. nhập viện trong tình trạng sốt, ho, viêm kết mạc mắt, da toàn thân nổi hồng ban đa dạng xen lẫn các bóng nước với nhiều kích thước kết hợp tổn thương niêm mạc mũi, miệng, hậu môn…

Chú thích ảnh
Toàn thân bệnh nhi nổi bóng nước. Ảnh: T. D

Dựa trên biểu hiện lâm sàng, X-quang phổi, xét nghiệm máu kết hợp điều tra bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi N. mắc hội chứng Stevens-Johnson. Đây là một hội chứng hiếm gặp, có nguy cơ tử vong cao với đặc trưng bởi các tổn thương ở da và niêm mạc.

“Tình trạng bệnh nhi N. rất nặng, đối diện với nguy cơ hoại tử bì nhiễm độc dẫn tới nhiễm trùng huyết, suy đa tạng nếu không phát hiện kịp thời. Bệnh nhi phải nằm phòng cách ly để tránh tăng nguy cơ nhiễm trùng và khoa Nhi tiến hành hội chẩn cùng với bác sĩ khoa Mắt, Da liễu... lên kế hoạch phối hợp điều trị”, bác sĩ Hiền thông tin.

Theo đó, bệnh nhi N. được sử dụng kháng sinh toàn thân vừa điều trị viêm da kết hợp viêm phổi kéo dài, dùng thuốc nhỏ mắt ngăn chặn nguy cơ tổn thương giác mạc. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhi N. hết sốt, các tổn thương da ngưng tiến triển. Sau một tuần điều trị, vết thương trên toàn bề mặt da đã khô, lên da non, không để lại biến chứng và được cho xuất viện.

Theo bác sĩ Minh Hiền, hội chứng Stevens-Johnson được mô tả lần đầu tiên vào năm 1922 bởi các bác sĩ nhi khoa A. M. Stevens và F. C. Johnson với báo cáo 2 trường hợp trẻ em ở thành phố New York bị sốt, phát ban da niêm mạc bất thường, được chẩn đoán nhầm là sởi và sốt xuất huyết. Tỷ lệ mắc tại Mỹ khoảng 2/1.000.000 người, biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 15%.

Theo y văn, nguyên nhân thường gặp nhất là do dị ứng thuốc, bao gồm kháng sinh, thuốc động kinh hoặc do nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (Mycoplasma hay herpes simplex virus). Tuy nhiên cũng có tới khoảng 40% các trường hợp là không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ Minh Hiền khuyến cáo phụ huynh hết sức cẩn trọng khi phát hiện trẻ nổi ban toàn thân, xuất hiện các bóng nước cần đưa trẻ đi khám ngay. Đối với trẻ đã ghi nhận tiền sử dị ứng thuốc, thực phẩm, cần lưu ý kỹ các thành phần có trong thuốc, thực phẩm, tránh cho trẻ sử dụng nhầm và báo cho bác sĩ trong các lần thăm khám tiếp theo.

Đan Phương/Báo Tin tức
Lo ngại trẻ em rơi vào ‘bẫy’ thuốc lá điện tử
Lo ngại trẻ em rơi vào ‘bẫy’ thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử đã được quảng bá rộng rãi đến giới trẻ thông qua mạng xã hội, đáng chú ý cách tiếp thị sản phẩm đang nhắm vào trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN