Ăn rau sống bị nhiễm cặp giun đũa dài 20 cm

Chị Ph. T. C. (35 tuổi, sống tại Bình Dương) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau bụng quặn vùng thượng vị dữ dội, kèm nôn ói. Qua nội soi và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện 2 con giun đũa dài 20 cm nằm trong tá tràng.

Theo các bác sĩ, ban đầu chị C. được chẩn đoán lâm sàng là viêm dạ dày cấp. Tuy nhiên, sau khi điều trị thì các triệu chứng không hề giảm, các cơn đau co thắt vùng thượng vị ngày càng nhiều. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã nghi ngờ những tổn thương khác, vì thế đã chỉ định nội soi dạ dày tá tràng.

Chú thích ảnh
Cặp giun đũa dài 20 cm trong tá tràng của chị C. Ảnh:BV 

Sau khi nội soi, phát hiện 2 con giun đũa dài 20cm đang sinh sống trong tá tràng. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành gắp bỏ cặp giun này ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngay sau thủ thuật, người bệnh hết hẳn các triệu chứng lâm sàng ban đầu, hồi phục nhanh chóng, trở lại sinh hoạt bình thường và xuất viện sau 24 giờ.

Khai thác tiền sử cho thấy, người bệnh và gia đình có thói quen thích ăn rau sống. Theo các bác sĩ, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun đũa của bệnh nhân. Giun đũa là một loại ký sinh trùng sống ở ruột người, là loại giun tròn, có kích thước lớn. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là tình trạng vệ sinh, các thói quen sinh hoạt và ăn uống, mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người qua người mà do người nuốt phải trứng giun qua đường ăn uống.

Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun đũa, đặc biệt là trẻ nhỏ. Giun đũa ở trong cơ thể sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể, gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá và suy yếu thể trạng người bệnh. Ngoài ra, giun đũa còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: tắc ruột, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy, thậm chí có khi ấu trùng giun đũa di trú lạc vào não, thận, mắt, tuỷ sống… gây các triệu chứng liên quan đến các cơ quan này.

Theo khuyến cáo các bác sĩ, để phòng ngừa bệnh, mọi người cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn uống, đảm bảo chế độ ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ, không để móng tay dài và tẩy giun định kỳ.

Người bị nhiễm giun đũa thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, có khi chỉ biểu hiện khó ở, khó ngủ, ăn kém. Nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh và không bị các biến chứng kể trên. Vì vậy, mọi người cần đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh lý giun.

Đan Phương/Báo Tin tức
Tại sao một loài giun mới lại được đặt tên là Donald Trump?
Tại sao một loài giun mới lại được đặt tên là Donald Trump?

Sinh vật lưỡng cư mù và thích đào bới dưới đáy biển Panama chính thức được đặt tên Dermophis donaldtrumpi, “ăn theo” Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN