Mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại lễ hội

Sáng ngày mồng 6 tháng Giêng, tôi cùng mấy người bạn rủ nhau đi lễ hội Cổ Loa bên huyện Đông Anh, và hội Đền Sóc, trên huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Vì là đi thông suốt qua hai lễ hội từ sáng sớm cho tới tận tối mịt, lại không chuẩn bị đồ ăn thức uống nên nhóm chúng tôi phải tìm kiếm quán hàng trong khu vực lễ hội để ăn, uống mỗi khi thấy khát, thấy đói bụng.


Ở hội Cổ Loa, suốt từ khu vực cổng vào cho tới các khu sân vận động, sân đình, hay khu vực đền chính… chúng tôi bắt gặp rất nhiều quán hàng ăn uống, trong đó các quán hàng có kê bàn ghế phục vụ khách ngồi thì ít, mà các quán bắt khách ngồi bệt xuống đất thì nhiều, bởi phần đa các hàng quán đều thuộc dạng buôn thúng, bán mẹt. Các hàng quán bán mực, cá chỉ vàng nướng thì ruồi bâu rình rình, trong khi các bát đựng tương ớt cho khách chấm thì cứ hết khách này chấm xong lại được tận dụng để khách khác vào ăn chấm tiếp. Các bát đựng tương ớt, đĩa đựng cá, đựng mực nướng hầu như không được rửa mà chỉ lau qua loa bằng loại giấy vệ sinh màu trắng ngà rẻ tiền. Lướt qua các hàng ô mai thì chao ôi, ruồi cũng “tấn công” đen ngòm khi chúng thấy mật, đường ngọt ngào. Chủ hàng chỉ lấy cái quạt nan phe phẩy cho lấy lệ và được một lát ngừng tay là ruồi lại bâu đen đỏ. Tưởng mấy quán bún, phở có mành che và bàn ghế tươm tất, vệ sinh khả dĩ nên lúc buổi trưa đói bụng, cả hội chúng tôi kéo vào một quán gọi bún riêu cua để ăn. Lúc đi ra phía sau quán hàng, nhìn chậu nước rửa bát đen ngòm, đũa, bát vứt chỏng chơ, thậm chí rơi cả ra đất, trong khi rổ rau sống thì đặt bệt xuống cả bãi cỏ…, khiến cho tôi sợ đến hết muốn ăn. Lúc quay vào, chủ hàng đã làm đủ 5 bát bún, và trong khi những người bạn của tôi ngon lành đánh chén thì tôi chỉ giả vờ cầm đũa gảy gảy mà không ăn. Tôi đã không dám nói với người bạn nào về những gì nhìn thấy ở phía đằng sau quán để họ cố khuất mắt mà ăn cho ngon miệng, hơn nữa cũng đỡ bỏ phí, vì một bát bún có giá những 40.000 đồng chứ đâu có rẻ.


Buổi chiều, khi ở hội Đền Sóc, qua vài tiếng trèo leo suốt từ khu vực đền lên Chùa Non, rồi lên đỉnh núi Hòn Chồng, nơi có đặt tượng Thánh Gióng và lại vòng xuống,cả hội đều đói meo. Thấy có một quán hàng bán bún đậu mắm tôm nóng hổi, cả hội quyết định tạt vào ăn. Khách ăn rất đông, dễ đến mấy chục người một lúc, xong dường như ít ai để ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, khi mà bao nhiêu cái bát đựng mắm tôm, đĩa đựng bún, đũa… mà khách ăn xong đều được người phục vụ rửa trong 2 xô nước. Tôi quan sát thấy người rửa bát chỉ vội rửa qua nước rửa bát rồi nhúng vào 1 xô, rồi tráng qua ở 1 xô nước khác là vớt ra để phục vụ tiếp các đợt khách khác. Vì đói, và tặc lưỡi ăn cho qua nên chưa đầy 1 tiếng sau, tôi bị đau bụng. Không chỉ tôi mà trong nhóm có hai người nữa cũng kêu râm ran đau bụng. Để bảo vệ sự an toàn cho sức khỏe bản thân thì mỗi người khi đi du xuân, tham dự lễ hội ở đâu đó hãy thật thận trọng với hàng ăn, uống. Tốt nhất là hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống ở nhà rồi mang theo,vừa đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe, vừa tránh bị chặt chém, tiết kiệm được tiền bạc vì không phải mua bán…


Nguyễn Long

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày xuân

Theo BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP Hồ Chí Minh, nếu chế độ ăn uống không hợp lý và bảo quản thực phẩm không đúng cách thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết là rất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN