Đừng để cổng chào văn hóa thành chướng ngại vật

Những năm qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển rộng khắp, hầu như mọi xóm, thôn, làng, tổ dân cư, khối phố,… đều xây dựng cổng chào văn hóa. Sự hiện diện của cổng chào văn hóa thể hiện được sự uy nghiêm cũng như tô đẹp thêm cho bộ mặt của địa phương. Song hiện nay, đa số cổng chào văn hóa được xây dựng theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có một thiết kế thống nhất từ các ngành chức năng, không đảm bảo yêu cầu thẩm mỹ thậm chí lại trở thành một chướng ngại vật.


Một cổng chào văn hoá bị cây che lấp. Ảnh: baokhanhhoa.com.vn


Hầu hết các cổng chào văn hóa được xây dựng là do nhân dân tự nguyện đóng góp hoặc kinh phí từ địa phương hỗ trợ, ngành chức năng lại chưa có một quy định chặt chẽ về thiết kế nên mỗi cổng chào có một hình dáng, kích thước, trang trí khác nhau.


Có không ít cổng chào văn hóa khi xây dựng lên thì lại vi phạm hành lang giao thông, làm khuất tầm nhìn, thậm chí có những cổng chào văn hóa xây dựng quá thấp hay quá hẹp khiến người dân địa phương khó khăn khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu.


Thêm đó là việc trang trí ở cổng chào cũng mỗi nơi một kiểu, nơi thì chỉ cắm 1 lá cờ Tổ quốc; nơi thì vừa cắm cờ Tổ quốc vừa cắm cờ màu; nơi thì treo ảnh Bác, nơi không… Bên cạnh đó, khẩu hiệu treo trên mỗi cổng chào cũng khác. Đó là chưa kể nhiều địa phương còn có “sáng kiến” khắc những câu đối ở hai bên trụ cổng.


Việc chăm lo tu sửa các cổng chào hiện nay ở các địa phương cũng là điều đáng nói. Hầu như các cổng chào sau khi được dựng lên thì lại bị lãng quên. Những lá cờ Tổ quốc sau một thời gian treo ở ngoài trời với nắng mưa dãi dầm bắt đầu bạc màu, không còn thấy được màu cờ đỏ sao vàng nữa.


Có những lá cờ bị gió thổi xé rách, bị quấn chặt vào cán cờ giống như treo cờ rũ. Các câu khẩu hiệu cũng bị bạc màu, tróc sơn, rớt chữ,… làm thay đổi nghĩa của câu hoặc không đọc được cũng tương đối phổ biến. Thậm chí có không ít cổng chào văn hóa đang ở trong tình trạng xuống cấp, gãy đỗ bất cứ lúc nào.


Để cổng chào văn hóa không những trở thành một nét đẹp mà còn thể hiện sự tôn nghiêm nên chăng các cơ quan chức năng của ngành văn hóa cần phải đưa ra các quy định chặt chẽ về việc xây dựng cổng chào văn hóa. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương để chấn chỉnh, thay thế, sửa chữa kịp thời các cổng chào văn hóa bị xuống cấp, bị “bỏ quên”.




Văn Thy Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN