Vướng mắc và đề xuất sửa đổi trong quản lý chất thải

Rác thải sinh hoạt đang chủ yếu được chôn lấp với khoảng 75%, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh.

Chú thích ảnh
Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình ở thành phố Tam Điệp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chưa có quy định phân loại tại nguồn

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó đô thị khoảng 38 nghìn tấn/ngày, nông thôn 32 nghìn tấn/ngày. Khu vực nội thành tỷ lệ thu gom đạt khoảng 85,5%, ngoại thành khoảng 60%, nông thôn 40-55%. Cả nước hiện có 35 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ, gần 300 lò đốt, chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ. 

Lượng chất thải nguy hại phát sinh trên cả nước khoảng 850 nghìn tấn/năm. Tính đến tháng 4/2019, Bộ đã cấp phép cho 118 cơ sở xử lý chất thải nguy hại, một số cơ sở đã dừng hoạt động. Tổng lượng chất thải nguy hại do các đơn vị thu gom, xử lý khoảng 750 nghìn tấn, đạt tỷ lệ gần 90%. 

Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 8,1 triệu tấn/năm, chưa bao gồm tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón và đất, đá thải từ ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Chất thải rắn công nghiệp có giá trị được tái sử dụng, tái chế ngay tại cơ sở hoặc bán cho cơ sở khác để tái chế, chất rắn công nghiệp còn lại được các cơ sở ký hợp đồng với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển chất thải. Bên cạnh đó, hiện tượng các chất thải không có giá trị kinh tế được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt còn tồn tại, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Hiện nay, việc xử lý chất thải rắn công nghiệp mới chỉ thực hiện ở các đơn vị có quy mô nhỏ.

Phát sinh nhiều vấn đề bức xúc, tác động đến đời sống người dân vẫn là chất thải sinh hoạt. Chất thải sinh hoạt, các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải thông thường ở xa khu dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển. Nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm trong quá trình vận chuyển. Rác thải sinh hoạt đang chủ yếu chôn lấp với khoảng 75%, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh. 

Theo ông Đỗ Tiến Đoàn, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, vướng mắc trong quản lý chất thải nằm ở quy định của Luật Bảo vệ môi trường về chất thải thông thường còn chung chung, quy định chung cho các loại chất thải có tính chất, phương pháp xử lý khác nhau, phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Chưa có yêu cầu mang tính bắt buộc về phân loại tại nguồn. Một số quy định về chất thải thông thường còn chung chung, quy định về sản phẩm thải bỏ còn mang tính hình thức, tính khả thi còn thấp.

Luật hóa các quy định về chất thải 

Tổng cục Môi trường đề xuất cần luật hóa quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về chất thải thông thường; trong đó chia chất thải thông thường làm các nhóm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, các loại chất thải đặc thù khác. Chất thải rắn công nghiệp chia thành 3 nhóm với các quy định khác nhau như: nhóm sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất theo quy định về hàng hóa; nhóm phải phân loại, sơ chế hoặc tiền xử lý trước khi sử dụng; nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý, tiêu hủy cần cấp phép xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục các nhóm chất thải này.

Chất thải rắn từ hoạt động y tế phải được phân loại tại nguồn và quản lý theo các quy định cụ thể về chất thải y tế nguy hại, chất thải phóng xạ, chất thải y tế thông thường gồm cả chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải lây nhiễm phải được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt với cấp độ cao nhất trong các cơ sở y tế, bảo đảm không phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Trường hợp để lẫn chất thải lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt, chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại. 

Chất thải nguy hại là bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Các bao bì sau sử dụng được làm sạch các thành phần nguy hại được quản lý như đối với chất thải thông thường. 

Đối với việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ phải quy định áp dụng cơ chế đặt cọc, hoàn trả, áp dụng tỷ lệ bắt buộc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ sau sử dụng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo quy định của Chính phủ. Quy định chung về điều kiện của cơ sở xử lý chất thải nguy hại, công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt.

Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi hoàn thành đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt phải lập báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi khi đóng bãi chôn lấp trình cơ quan cấp phép xử lý chất thải để phê duyệt hoàn thành; có trách nhiệm tổ chức giám sát môi trường định kỳ, theo dõi diễn biến môi trường tại bãi chôn lấp đã đóng ít nhất sau 5 năm kể từ ngày đóng bãi chôn lấp. Kết quả giám sát môi trường định kỳ phải được báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường địa phương. 

Chất thải phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ các phương tiện giao thông vận tải quốc tế không áp dụng quy định của pháp luật về nhập khẩu, thương mại. Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, thủy nội địa, đường sắt đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức hệ thống quản lý môi trường về chất thải của từng cấp, ngành, đặc biệt chú ý tới việc phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý các cấp.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Chồng chéo trong quản lý chất thải rắn
Chồng chéo trong quản lý chất thải rắn

Chồng chéo trong quản lý nhà nước, giữa các luật trong quản lý chất thải rắn khiến công tác quản lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Quản lý nhà nước về chất thải rắn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN