Chủ động kiểm soát chặt từ đầu
Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) là một bài học lớn để hướng tới việc chủ động kiểm soát, quản lý chất thải các nhà máy, khu công nghiệp, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Để bảo đảm an toàn về môi trường, đóng góp có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế, thời gian gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang siết chặt các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao trong quá trình xây dựng, vận hành.
Đơn cử như chính Công ty Formosa Hà Tĩnh đã được yêu cầu phải khẩn trương khắc phục sự cố, hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Sau các đợt giám sát, kiểm tra đột xuất, đến nay, doanh nghiệp này đã có những thay đổi đáng kể. Hiện FHS đã đảm bảo các nguồn thải được xử lý đạt QCVN và đáp ứng Tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết; từ tháng 7/2017, doanh nghiệp đã hoàn thành 7 hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải theo yêu cầu của Bộ TN&MT… Đến nay, toàn bộ các hạng mục công trình đang hoạt động của FHS đều đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành để đưa vào vận hành chính thức.
Hay như dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngay từ khi vận hành thử nghiệm đã được giám sát chặt quá trình vận hành các công trình xử lý chất thải. Việc phân tích mẫu nước thải, khí thải do Viện Công nghệ môi trường thực hiện thường xuyên, đúng quy chuẩn. Công ty đang vận hành ổn định các hạng mục để sản xuất ra các sản phẩm khí hóa lỏng, xăng, dầu và sản phẩm hóa dầu, được cung ứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần ổn định tình hình an ninh năng lượng quốc gia.
Không chỉ các dự án trên, một số dự án khác tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, các nhà máy nhiệt điện... đã được tập trung kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức. Nhờ đó, các dự án không chỉ giảm tác hại đến môi trường mà còn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế như: Sau khi vận hành cả 2 lò cao, FHS đóng góp khoảng 1,27% GDP Việt Nam trong năm 2018; dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn sau 6 tháng đi vào hoạt động dự kiến đóng góp cho ngân sách trên 8.000 tỷ đồng…
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, hiện nay, các địa phương đã chú trọng hơn trong việc lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, từng bước tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đặc biệt nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của các Sở Tài nguyên và Môi trường không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, qua đó chặn đà suy giảm môi trường.
Bên cạnh đó, phương thức và tư duy quản lý mới về chủ động giám sát, phòng ngừa với các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đã tiếp tục được cụ thể trong Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường tiền kiểm đi đôi hậu kiểm đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Để doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành
Theo thống kê của Bộ TN&MT, năm 2018, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 88%, trong đó có 121 khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục.
Cũng theo Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà, năm 2019, Bộ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó yêu cầu 100% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Dự kiến lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các cơ sở sản xuất sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về xử lý chất thải. Đồng thời, phấn đấu 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom vận chuyển và xử lý, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường. Đặc biệt sẽ xây dựng, nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải tại các khu công nghiệp.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, cần tập trung sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cho phù hợp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt Đề án hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế bảo đảm lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật để tạo những thay đổi đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo sự chủ động trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường cũng cần những cơ chế phù hợp.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Lĩnh vực môi trường với những tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên để khuyến khích các doanh nghiệp chấp hành tốt vấn đề xử lý rác thải cần có cơ chế phù hợp. Đơn cử như việc các nhà đầu tư chưa hài lòng với mức giá xử lý rác thải hiện nay, một số nhà máy hoạt động tại Quảng Ninh từng liên tục kiến nghị về vấn đề giá. Thực tế với các công trình đầu tư lớn mà áp giá cao như hiện nay thì khó có thể làm được. Trong khi đó nếu để xảy ra việc doanh nghiệp chôn lấp chất thải là vô cùng nguy hiểm không chỉ hậu quả ngay hôm nay mà còn lâu dài. Vì vậy rất cần có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quy định.