Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, mặc dù tỷ lệ thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt vẫn tăng hàng năm, nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao, nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, quản lý CTR được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của nhiều bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bộ Xây dựng, Bộ Y tế... Điều đáng nói là sự phối hợp trong việc ban hành các quy định này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR lại chưa có.
Ông Thịnh cho biết, hiện Bộ TN&MT chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải, chất thải nguy hại). Các tiêu chuẩn quy chuẩn liên quan đến chất thải phát sinh từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.... lại được giao cho Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành, dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý CTR. Việc này sẽ dẫn đến những giao thoa, chồng chéo thiếu thống nhất trong quản lý nhà nước về CTR.
Cùng với đó, việc tổ chức định kỳ đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR đang được nhiều bộ thực hiện căn cứ vào quy định chức năng và nhiệm vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Bộ TN&MT hướng dẫn kiểm tra lập và công bố báo cáo hiện trạng môi trường... Bộ Xây dựng lập quy hoạch quản lý CTR; Bộ Y tế thống kê nguồn thải, xử lý chất thải của các viện, cơ sở y tế...
Ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc phân công công tác quản lý nhà nước về CTR hiện nay còn chưa thống nhất, theo như Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động phân công các sở, ngành cơ quan nên mỗi nơi lại phân công khác nhau, có nơi giao Sở Xây dựng, có nơi giao Sở TN&MT.
“Với Hà Nội, công tác quản lý CTR giao cho Sở Xây dựng, đã có giai đoạn giao phần quản lý rác thải sinh hoạt đô thị tại các quận do Sở Xây dựng, các huyện giao cho Sở TN&MT, vừa rồi thống nhất giao lại cho Sở Xây dựng. Việc quản lý, phối hợp giữa các ngành tốt, tuy nhiên chúng tôi cũng kiến nghị của Bộ TN&MT quy định rõ luôn, giao sở TN&MT là đầu mối quản lý nhà nước, tham mưu cho địa phương quản lý CTR”, ông Đồng Phước An cho hay.
Ông Đồng Phước An cũng cho biết, với những quy định liên quan đến hạ tầng kỹ thuật của cơ sở xử lý giao cho Sở Xây dựng thì đúng nhưng còn vấn đề thu gom, vận chuyển cũng giao cho ngành xây dựng quản lý thì chưa phù hợp. Khó khăn nữa theo ông Đồng Phước An là hiện chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 38, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể thu gom, lưu giữ, vận chuyển... gây khó khăn về phân loại rác tại nguồn vì vậy mà hầu hết là các địa phương chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Còn bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng chia sẻ, ngoài chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được giao cho ngành TN&MT quản lý, các chất thải còn lại đang rất chồng chéo, khó khăn trong quản lý, nhất là quản lý CTR sinh hoạt ở nông thôn. CTR nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng năng lực của cán bộ cũng là vấn đề. Khi phân cấp tới cấp huyện, một số huyện giao cho Phòng Môi trường, một số huyện giao cho Phòng Nông nghiệp.
Để giải quyết tình trạng này, bà Đỗ Thị Hương kiến nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đề xuất, cần sửa đổi bổ sung một số Luật, Nghị định như sửa đổi Nghị định 81/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ Bộ Xây dựng; Nghị định 36/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ Bộ TN&MT, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Xây dựng; Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu...