Theo đó, lúc 7 giờ ngày 8/10, mực nước thực đo cao nhất trên sông Hậu tại trạm Long Xuyên đạt 2,67 m (trên mức báo động III: 0,17 m), tại trạm Cần Thơ đạt 2,17 m (trên mức báo động III: 0,27 m; vượt mức lịch sử: 0,02 m).
Dự báo mực nước đỉnh triều trong đợt triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch trên các sông rạch thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục lên cao trong 2-3 ngày tới và đạt đỉnh vào các ngày 10-11/10 (ngày 2-3/9 âm lịch), sau đó ít biển đổi.
Đỉnh triều cao nhất trong đợt triều cường này tại trạm Cần Thơ có khả năng lên mức 2,20-2,25 m (trên mức báo động III từ 0,30-0,35 m). Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày là lúc 6 giờ - 8 giờ và 17 giờ - 19 giờ.
Từ sáng sớm ngày 7/10, triều cường xuất hiện đã gây ngập nhiều tuyến đường nội ô thành phố và các quận huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ, gây xáo trộn cho cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Tại quận Ninh Kiều, các tuyến đường như Mậu Thân, 30-4. Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng… nước lên cao tràn vào nhà dân, đặc biệt là các tuyến đường ở gần bờ sông tình trạng ngập khá nghiêm trọng.
Nghiêm trọng hơn, vào rạng sáng ngày 8/10, tại khu vực cồn Khương thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, nước từ sông Hậu đã tràn qua bờ đê bao vào gây ngập nhà cửa, vườn cây của hơn 20 hộ dân.
Ông Phạm Văn Năm, phường Cái Khế cho biết, đã sinh sống tại cồn Khương gần 30 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy nước dâng cao như vậy. Những năm trước, dù trong các đợt triều cường cũng thường gây vỡ đê bao nhưng cũng không tràn qua đê. Theo ông Năm, những hộ dân ở đây đã quen với việc triều cường gây ngập lụt vào thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch hàng năm nhưng năm nay nước quá lớn và lên nhanh nên bất ngờ nên người dân không kịp xoay sở.
Chiều ngày 8/10, ông Nguyễn Quý Ninh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết: Hiện địa phương đang huy động phương tiện, vật tư tổ chức khắc phục nhanh sự cố vỡ đê bao tại cồn Khương. Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân di dời người và tài sản ra khỏi các khu vực ngập đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng tuần tra, túc trực tại các chốt dân phòng, nhà thông tin khu vực để hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra. Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cần chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt vùng trũng thấp và các đô thị ven sông.