Trước đó, Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã có công văn số 331/VPTT-TH đề nghị BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh xác minh và xử lý thông tin do báo chí phản ánh: “Bất chấp dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở Trung Quốc: Vẫn ngang nhiên 'cõng' lợn vào nội địa".
BCĐ 389 Quảng Ninh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các huyện: Hải Hà, Bình Liêu và thành phố Móng Cái kiểm tra, xác minh thông tin trên.
Trên địa bàn thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà có hiện tượng vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc nhưng tính chất nhỏ lẻ, không thường xuyên. Tuy nhiên các đối tượng bị bắt giữ, xử lý đều khai nhận đã vận chuyển hàng hóa từ nơi khác đến.
Theo thông tin phản ánh của báo chí, cung đường vận chuyển lợn thịt, lợn giống thẩm lậu tại khu vực vành đai biên giới giáp với Trung Quốc, thuộc huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây các đối tượng vẫn lén lút hoạt động. Bản Mốc 13, (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) được coi là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu lợn từ Trung Quốc sang.
Ngoài lợn hơi, các loại thịt lợn xẻ mảnh, nội tạng, mỡ lợn… cũng được đội ngũ chở hàng thuê này “cõng” về, khiến tình hình buôn lậu thịt lợn từ Trung Quốc về Việt Nam luôn diễn biến phức tạp…
Tuy nhiên theo kết quả kiểm tra của BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh thì thông tin này chưa chính xác. Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn số 6962/UBND-TM1 tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào Quảng Ninh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục theo dõi, cập nhật về diễn biến của dịch bệnh, tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các nội dung chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cũng như cách ứng phó khi dịch tả lợn xảy ra.
Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại địa bàn khu vực biên giới cửa khẩu các tỉnh phía Bắc. Từ đầu tháng 8 đến tháng 9/2018, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh với tổng số 38.000 con lợn phải tiêu hủy, ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 1194/CĐ-Ttg về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài có thể xâm nhiễm vào Việt Nam. BCĐ 389 Quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình; nghiêm cấm các hành vi, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu đường bộ, đường sắt… nhất là tại địa bàn khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc và xử lý nghiêm vi phạm.
Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền để người dân biết tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
BCĐ 389 Quốc gia đề nghị công khai số điện thoại đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân nhân dân biết để cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, các sản phẩm của lợn nghi nhập lậu.
BCĐ 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn nhập lậu, nghi nhập lậu… của các đơn vị, địa phương, nhất là địa phương có biên giới cửa khẩu. Quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh khó khăn vướng mắc báo cáo về Ban chỉ đạo 389 quốc gia thông qua Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia để chỉ đạo.