Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, xảy ra trên loài lợn (heo) mọi lứa tuổi, tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Bệnh do một loại vi rút thuộc nhóm AND vi rút gây ra, hiện nay chưa có vắc xin đặc trị, biện pháp xử lý chủ yếu khi lợn mắc bệnh là tiêu hủy.
Do đó, Chi cục đã tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng để người chăn nuôi trong tỉnh nhận biết được triệu chứng khi lợn mắc bệnh như sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết trên da, thở khó, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón, lây lan nhanh.
Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến cáo người dân tích cực ngăn ngừa vi rút xâm nhiễm bằng cách chăn nuôi an toàn sinh học; sử dụng con giống phải rõ nguồn gốc; con giống nhập ngoại tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch; khi phát hiện heo có dấu hiệu nhiễm bệnh thì phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện, xử lý ngay ổ dịch trong diện hẹp.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh về việc triển khai “Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi đợt 2 năm 2018”, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ 6.200 lít hóa chất cho các huyện, thành phố triển khai nội dung này (từ ngày 15/9- 15/10).
“Cùng với đó, Chi cục còn phân bổ 160.000 liều vắc xin lở mồm long móng, 50.000 liều vắc xin DTH và 1,4 triệu liều vắc xin cúm gia cầm cho các huyện miền núi, đồng bằng triển khai tiêm phòng cho trên 750 ngàn con gia súc, 4,7 triệu con gia cầm”- ông Thuận nói.
Tại huyện Nghĩa Hành, ngành chức năng và người chăn nuôi đã tích cực phối hợp với nhau để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi gây hại. Anh Bùi Văn Khanh, thôn An Phước, xã Hành Dũng nuôi mỗi lứa vài trăm con heo lớn nhỏ. Nghe thông tin, cá nhân anh thực hiện phun thuốc sát trùng chuồng trại thường xuyên 5-7 ngày/lần và nhờ Trạm Thú y hướng dẫn các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn.
Ông Võ Văn Ngọc, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Nghĩa Hành cho biết, trạm đã tham mưu cho UBND huyện phân bổ 422 lít hóa chất được cấp cho 12 xã, thị trấn (mỗi xã 3 thùng) để tiến hành tiêu độc, khử trùng diện rộng. Ngoài lượng hóa chất này, Trạm cũng đề nghị toàn bộ các chủ hộ chăn nuôi tăng cường mua thêm ở ngoài về để tiếp tục phun xịt, khử trùng môi trường chăn nuôi.