Sáng 18/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo để nghe Bộ Y tế báo cáo, rà soát chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm; những vấn đề tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán các nguồn vaccine trên thế giới; các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước…
Thường trực Ban Chỉ đạo họp, nghe Bộ Y tế báo cáo, rà soát triển khai kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 (vaccine), chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Tất cả các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng phải tích cực, chủ động vào cuộc. Các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để có vaccine mà tiêm chậm.
Cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vaccine
Thường trực Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất rà soát, có chỉ đạo cụ thể về việc tạo điều kiện tối đa chính quyền địa phương, doanh nghiệp nếu có đầu mối tiếp cận, mua được vaccine thì đưa về Việt Nam thật nhanh.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, thời gian qua cơ quan này đã xử lý hàng trăm đề nghị, gặp gỡ hàng chục doanh nghiệp muốn được nhập khẩu vaccine nhưng sau khi tìm hiểu thì tất cả các nguồn cung vaccine đều đã có tiếp xúc trực tiếp với Bộ Y tế.
Vì vậy, Bộ Y tế lưu ý những tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với các đơn vị trung gian chào bán vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian có giấy ủy quyền chính thức của nhà sản xuất. Đối với việc nhập khẩu vaccine của TP Hồ Chí Minh, căn cứ đề nghị, nhu cầu của thành phố, Bộ Y tế đã trực tiếp làm việc với nhà cung cấp được ủy quyền chính thức từ nhà sản xuất và thành phố.
Bộ Y tế và các cơ quan thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm vẫn còn tình trạng tranh mua vaccine trên thế giới, nhất là trước tháng 10/2021. Các địa phương, doanh nghiệp phải hết sức cân nhắc, thận trọng khi tiếp cận thông tin về nguồn vaccine tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng không giao vaccine trong năm 2021 và sang năm 2022 mới có.
Dự kiến sang năm 2022 thị trường vaccine phòng COVID-19 sẽ có thay đổi. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất yêu cầu Bộ Y tế có văn bản sớm để bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Nghị quyết 21/NQ-CP gồm những người làm việc trong cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ… nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép.
Đây cũng là nguyện vọng của các nhà tài trợ. Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 xong cho đối tượng ưu tiên, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Phấn đấu có nhà máy sản xuất vaccine cuối năm 2021
Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vaccine trong nước; tiến độ thử nghiệm các loại vaccine. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động.
Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7/2021.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ thống nhất chủ trương, một mặt tận dụng, tiếp cận tất cả nguồn cung vaccine trên thế giới, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vaccine trong nước không chỉ phục vụ nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mà còn phát triển công nghiệp vaccine, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vaccine. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang tranh thủ tiếp cận tất cả các nguồn vaccine trên thế giới.
Ngoài hai nguồn chính thức mua của hãng Astra Zeneca và nguồn tài trợ vaccine Sputnik V của Nga, sắp tới là vaccine của hãng Pfizer, Bộ Y tế dự kiến sẽ tiếp nhận thêm một số loại vcaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (3 loại vaccine Astra Zeneca sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu; Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục nhận viện trợ vaccine song phương của các nước. Vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 1 triệu liều vaccine Astra Zeneca cho Việt Nam và trong những ngày tới đây chúng ta sẽ tiếp nhận vaccine do Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tài trợ.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 5.772 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 18/6 quỹ đã tiếp nhận là 5.772 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 321.783. tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày. Số liệu đầy đủ được đăng tải trên website của Kho bạc Nhà nước, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính và trên báo chí.
Hiện website www.quyvacxincovid19.gov.vn đã chính thức cũng được giới thiệu. Đây là cổng thông tin điện tử của Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, ra đời nhằm tạo ra kênh đóng góp ủng hộ trực tuyến cho quỹ. Website đánh dấu lần đầu tiên cơ quan quản lý quỹ phát triển nền tảng công nghệ, để cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đóng góp ủng hộ với khả năng tương tác trực tuyến
Thông qua website www.quyvacxincovid19.gov.vn, mọi đóng góp của người dân đến quỹ sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm trong phòng, chống dịch
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng giãn cách xã hội tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đang được thực hiện nhưng vẫn còn một số tồn tại hạn chế, nhiều trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.
Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu địa bàn nào để xảy ra sai phạm về công tác phòng dịch, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bước đầu đã kiểm soát được tình hình.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn Thành phố đã phát hiện một số chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, biến chủng Delta (tên gọi của biến chủng virus Ấn Độ) làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan nhanh. Sau 18 ngày thực hiện việc áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Chính phủ, tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Nhiều trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19; vẫn còn nhiều người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng quy cách, tụ tập ăn uống tại via hè, quán giải khát, chung cư, lề đường...
Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn số 1948/UBND-VX gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm triệt để khoanh vùng, dập dịch COVID-19 và hạn chế nguồn lây nhiễm của các chùm ca bệnh mới phát sinh.
Đáng chú ý có yêu cầu UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường các biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm công tác phòng dịch như: Yêu cầu thành phố Thủ Đức, các quận, huyện phải phát huy vai trò Tổ công tác phòng, chống COVID-19 tại phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng của địa phương trong việc kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt đối với các trường hợp không chấp hành biện pháp 5K. Khi phát hiện cần xử lý ngay để tăng tính răn đe cho các trường hợp sau không tái phạm. Các đơn vị, sở ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần tích cực ra quân kiểm tra các trường hợp không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, các trường hợp tụ tập đông người tại khu dân cư, khu đất trống và dọc bờ sông, nơi buôn bán hàng rong, nước giải khát tại phía trước các công ty, chung cư, tòa nhà, bệnh viện, lề đường... trên địa bàn mình phụ trách.
Nếu địa bàn nào để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác chống dịch thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Hồ Chí Minh. Tại các khu vực chợ đầu mối, chợ truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường quản lý, phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích bảo đảm việc thu gom rác thải tại các khu cách ly tập trung, khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19, phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt dành cho chất thải nguy hại, bảo đảm thực hiện thu gom rác thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng tồn đọng rác thải gây nguy hiểm môi trường.
Thành phố Lào Cai thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 18/6
Khoảng 18 giờ ngày 17/6/2021, qua sàng lọc, cơ quan y tế tỉnh Lào Cai đã phát hiện một trường hợp nghi mắc COVID-19 tại thành phố Lào Cai. Đó là anh N.V.H, sinh năm 1977, quê ở xóm 3, Kim Chính, Kim Sơn, Ninh Bình, làm nghề lái xe.
Ngay sau khi phát hiện, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Lào Cai dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã họp bàn về công tác rà soát, truy vết các trường hợp liên quan ca nghi nhiễm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo cơ quan y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp tiếp xúc gần; tổ chức việc phong tỏa khu vực ca nghi nhiễm đã đi, đến; tạm dừng chợ Cốc Lếu B; thực hiện các biện pháp truy vết kể cả việc truy vết bằng camera. Từ 0 giờ ngày 18/6, thành phố Lào Cai thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay trong đêm 17/6, ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm. Lịch trình di chuyển của ca nghi nhiễm sơ bộ được xác định như sau: Khoảng 20h ngày 11/6/2021, anh N.V.H đến Khu vực Tổ 2, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, ở trên xe bảo vệ xe hàng đến 16h ngày 12/6/2021, sau đó về nhà trọ tại Tổ 2, phường Duyên Hải, cùng 03 người.
Từ ngày 14/6/2021 - 16/6/2021, anh này đi chợ Cốc Lếu 2 lần khoảng 17h-18h chiều 14, 15/6/2021, mua thức ăn tại quầy thịt lợn và rau. Ngày 15/6/2021, anh N.V.H có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, tự lấy thuốc dự trữ có sẵn trong nhà để uống, không mua thuốc bên ngoài, không đi khám bệnh.
Sáng 17/6/2021, anh này vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám bệnh, thời gian đến viện khoảng 7h45 - 8h, đi bằng xe ôm.
Qua khám sàng lọc ban đầu, ca nghi nhiễm này đã được phân luồng vào khoa truyền nhiễm, qua lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả dương tính. Hiện nay, cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã khoanh vùng cách ly, thực hiện truy vết, lấy mẫu các đối tượng liên quan có tiếp xúc với ca nghi nhiễm.