Tổng hợp COVID-19 ngày 17/6: Không kéo dài tình trạng giãn cách xã hội diện rộng; thêm 503 ca mắc mới

Trong ngày 17/6, dư luận quan tâm đến thông tin nổi bật sau: Phấn đấu không kéo dài giãn cách xã hội trên diện rộng tại TP Hồ Chí Minh; thêm 503 ca mắc COVID-19 trong nước; Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 5.698 tỷ đồng; quân đội phun khử khuẩn các khu vực có ổ dịch ở Bình Dương; dự kiến xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho 1.000 người tại sân bay Nội Bài...

Phấn đấu không kéo dài giãn cách xã hội trên diện rộng tại TP Hồ Chí Minh

Mục đích của việc giãn cách xã hội nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch COVID-19, tìm ra các ổ dịch và nguồn lây, từ đó xác định quy mô khoanh vùng, phong tỏa. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 . Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN.

Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về các biện pháp phòng, chống dịch, diễn ra chiều tối 17/6, tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đã có kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch trước đó. Vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa phải thực hiện trên tinh thần “cố gắng gọn nhất có thể”. Mục đích của việc giãn cách xã hội nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch, tìm ra các ổ dịch và nguồn lây, từ đó xác định quy mô khoanh vùng, do đó Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng.

Đã qua 14 ngày giãn cách xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh phải khẩn trương điều tra dịch tễ, phân loại những khu vực an toàn trong tình hình hiện nay để có giải pháp nới lỏng; những khu vực có nguy cơ phải siết chặt hơn nữa, triển khai trên tinh thần “không cào bằng hết tất cả để phục vụ mục tiêu kép”. Những khu vực đã khoanh vùng, cách ly y tế phải tuyệt đối thực hiện nghiêm túc, không để xuất hiện tình trạng tập trung đông người như người dân đã phản ánh; kiểm soát luồng giao thông từ những nơi có ổ dịch trong thành phố.

Đối với các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải “giữ bằng được bằng những biện pháp mạnh tay”; tăng cường xét nghiệm cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca mắc COVID-19 trong 3 ngày đầu tiên.

Năng lực xét nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh rất tốt so với các địa phương khác, tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, với dân số 10 triệu người, tập trung nhiều khu công nghiệp, thành phố phải có phương án tăng cường công suất xét nghiệm trong tình huống dịch xuất hiện trong các khu công nghiệp. Khi phát hiện ca mắc ở nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác khoanh vùng, cách ly, phong tỏa chú ý đến các khu có mật độ dày đặc công nhân thuê trọ.

Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà, bảo đảm an toàn, chặt chẽ về y tế cũng như quyền riêng tư của người dân, phù hợp với điều kiện của thành phố trong tình trạng có đông người bị nhiễm; đồng thời khẩn trương triển khai thí điểm hướng dẫn công nhân, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.

Ghi nhận thêm 503 ca mắc COVID-19 trong nước ngày 17/6

Trong ngày 17/6, Việt Nam ghi nhận thêm 515 ca mắc mới, trong đó có 503 ca mắc trong nước

Chú thích ảnh
Lực lượng y bác sỹ xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp là F1 của bệnh nhân số 11634 ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Văn Tý/TTXVN.

Tính đến 18 giờ ngày 17/6, Việt Nam có tổng cộng 10.483 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 8.913 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 24 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.

Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.311.345 xét nghiệm cho 5.147.851 lượt người.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 5.698 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 17/6, Quỹ đã tiếp nhận 5.698 tỷ VND (bao gồm cả ngoại tệ quy đổi).

Số tiền đã chuyển vào quỹ do 316.466 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.

Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ.

Đây là một cơ sở để cơ quan Thuế thực hiện tính chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị định 44/202/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra kho bảo quản lô vaccine COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh

Chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đi kiểm tra lô vaccine phòng COVID-19 vừa được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhập về; bảo quản tại Khu công nghiệp Cát Lái (Thủ Đức).

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Việt Nam vừa nhận về 966.3000 liều vaccine do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, trong đó ưu tiên cho TP Hồ Chí Minh 836.000 liều, chiếm tỷ lệ 86%. Hiện nay, lô vaccine này đã được vận chuyển tới chuyển TP Hồ Chí Minh. Đây là lượng lớn vaccine được Chính phủ ưu tiên giúp TP Hồ Chí Minh nhanh khống chế được dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong hai ngày tới, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất kịch bản và bắt đầu triển khai tiêm chủng tại 1.000 điểm trên địa bàn TP, dự kiến sáng thứ 7 tuần này sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm chủng.

“Chiến dịch tiêm chủng dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 5 - 7 ngày, với 708.600 liều vaccine dành cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21, còn lại 50.000 liều dành cho bộ đội, công an TP Hồ Chí Minh… Tổng số người được tiêm vaccine lần này có thể lên đến 1 triệu người vì mỗi lọ vaccine có thể tiêm cho 12 người”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, nguyên tắc và tinh thần tiêm chủng là nhanh trong chiến dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người tham gia tiêm chủng. Vaccine được tiêm trong đợt này của Astrazeneca, thời hạn sử dụng còn tương đối dài, nên đảm bảo an toàn cho chiến dịch tiêm chủng đợt này của thành phố.

Quân đội phun khử khuẩn các khu vực có ổ dịch ở Bình Dương

Ngày 17/6, Tiểu đoàn Hóa học 38 (Bộ Tham mưu) và lực lượng Quân y (Cục Hậu cần) thuộc Quân đoàn 4 tại tỉnh Bình Dương, huy động lực lượng, phương tiện, vật chất phun khử trùng tại một số khu vực có liên quan đến ca mắc COVID-19 trên địa bàn.

Tại thành phố Thuận An, cán bộ, chiến sỹ sử dụng các xe chuyên dụng phun xịt khử khuẩn tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Puku, các tuyến đường trong Khu Công nghiệp Đồng An và Trụ sở UBND phường Bình Hòa. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Puku có nữ công nhân 22 tuổi, ngụ Thành phố Thủ Đức có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tại thị xã Tân Uyên, các cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phun xịt khử khuẩn tại Khu phố Khánh Hội, chợ Tân Phước Khánh và các phường Tân Phước Khánh; phường Tân Vĩnh Hiệp; Khu cách ly y tế thị xã tại phường Uyên Hưng và Trụ sở hành chính thị xã Tân Uyên. Đến nay, thị xã Tân Uyên có 14 trường hợp mắc COVID-19 đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Trước đó, sáng 17/6, Bình Dương ghi nhận 7 ca dương tính SARS-CoV-2 là công nhân Công ty House Wares đã được Bộ Y tế công bố mã số bệnh nhân.

Dự kiến xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho 1.000 người tại sân bay Nội Bài

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng, tại sân bay Nội Bài, Sở Y tế thành phố đã tổ chức thực hiện phân luồng riêng đối với những người đi từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên.

Trong đó, ngày 16/6, lực lượng chức năng đã lấy 97 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên. Các mẫu này đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu liên tục trong vòng một tuần đến 10 ngày tại sân bay với số lượng khoảng 1.000 mẫu.

Thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc nhanh SARS-CoV-2 ngẫu nhiên sẽ giúp thành phố định hướng công tác phòng dịch đối với những người, nhóm người đi từ các địa phương có nguy cơ về Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố chủ động phát hiện sớm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và kịp thời có phương án xử lý tích cực, hiệu quả. Ngoài xét nghiệm tại sân bay, thành phố tổ chức xét nghiệm ở các khu, cụm công nghiệp.

XC/Báo Tin tức
Tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19
Tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến, gói hỗ trợ lần 2 này khoảng 27.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN