Khai báo y tế điện tử tại bệnh viện: Tiện nhưng vẫn ít người dùng

Theo quy định của Bộ Y tế, dù bệnh viện là một trong những địa điểm phải thực hiện khai báo y tế điện tử với những người có điện thoại thông minh nhưng thực tế rất ít người thực hiện việc này mà vẫn áp dụng hình thức khai giấy truyền thống.

Tỷ lệ khai báo y tế điện tử rất thấp

Tại bệnh viện Xanh Pôn, người nhà và bệnh nhân phải đi vào từ cổng phía đường Trần Phú và thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Tại đây, bệnh viện có kê khoảng 10 bàn để người dân khai vào tờ giấy. Dù có tấm bảng cỡ lớn chỉ dẫn khai báo điện tử nhưng nhiều người không dùng.

Chú thích ảnh
Đa số người dân chọn hình thức khai bằng giấy.

Anh Nguyễn Văn Long, người nhà bệnh nhân cho biết: “Lý do tôi chưa dùng khai báo điện tử vì chưa biết và không được hướng dẫn cụ thể. Thấy nhiều người khai vào tờ giấy nên tôi vẫn làm theo cách này”.

Khi được phóng viên yêu cầu cho khai báo bằng tờ khai điện tử, nhân viên y tế trực chỉ lên bảng QR Code dán duy nhất tại chốt trực và có thể quét qua Zalo. Nhân viên y tế tại đây cho biết: Hình thức nhanh nhất là khai qua Bluezone bởi tất cả thông tin đã được ứng dụng lưu, chỉ cần điền và tích thông tin theo chỉ dẫn. Khai lần đầu tiên sẽ hơi mất thời gian, nhưng từ lần sau đến cũng chính địa điểm đó mà không thay đổi thông tin thì chỉ cần bấm gửi là hoàn thành. Lúc đó rất tiện lợi cho việc khai báo.

Dù hình thức khai y tế tiện là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại bệnh viện Xanh Pôn, tỷ lệ khai báo y tế điện tử rất ít.

Trong khi đó, qua khảo sát một buổi hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, mặc dù bệnh viện đã in mã QR Code dán khắp nơi trong bệnh viện, để người dân tiện quét mã nhưng số lượng người sử dụng vẫn không nhiều.

Thông tin từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng cho thấy, nhiều người thậm chí khi được hướng dẫn cài đặt ứng dụng để khai báo y tế điện tử tỏ ra khá thờ ơ. Do đó, Viện vẫn sử dụng song song cả khai báo bằng check mã QR Code và khai báo bằng tay để phục vụ cho nhiều đối tượng người dân, người bệnh đến có thể khai báo dễ dàng, phù hợp.

Tương tự, khảo sát tại nhiều bệnh viện cho thấy rất ít người sử dụng khai báo điện tử. Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Theo ghi nhận chỉ có khoảng 5-6 lượt khai báo bằng hình thức y tế điện tử.

Những người sử dụng phương pháp này là những người có trình độ công nghệ thông tin hoặc tại cơ quan, công sở đã sử dụng hình thức này nên họ thấy tính tiện lợi nên dùng tại bệnh viện.

Thay đổi từ nhận thức

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), từ đầu năm, ứng dụng QR Code đã được đưa vào sử dụng để người khai báo y tế khi đến những nơi công cộng, trong đó có các cơ sở y tế, các bệnh viện.

Chú thích ảnh
Rất ít người chọn hình thức quét QR Code (khai báo y tế điện tử).

“Vừa qua, chúng tôi đã có khảo sát và rút kinh nghiệm sau một thời gian triển khai và điều chỉnh quy trình trong Quyết định 2666 của Bộ Y tế. Theo đó, người dân khi đến cơ sở y tế sẽ được chia 2 luồng xanh- đỏ. Luồng xanh dành cho người đến không có yếu tố dịch tễ, không có biểu hiện bất thường về sức khoẻ thì họ vào thẳng luồng xanh và check mã QR Code như tại các điểm cộng cộng là đủ để phục vụ cho việc truy vết. Còn với người có yếu tố dịch tễ, đi về từ vùng nguy cơ, có triệu chứng… thì đi vào luồng đỏ để sàng lọc kỹ hơn, không chỉ quét mã QR Code, mà còn thực hiện các khai báo y tế cụ thể để đảm bảo yêu cầu sàng lọc sâu hơn, chặt chẽ hơn”, ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Bên cạnh khắc phục những bất cập về quy trình, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thống nhất dữ liệu tờ khai y tế điện tử sẽ được quản lý tập trung. Theo đó, thông tin tờ khai y tế điện tử từ các ứng dụng phần mềm được khuyến cáo người dân sử dụng sẽ được quản lý tập trung, không để phân tán tại các đơn vị viết phần mềm như trước đấy. Từ đó, dữ liệu sẽ được sử dụng, phân tích truy vết nhanh hơn.

“Việc khai y tế điện tử ưu việt hơn hẳn tờ khai y tế bằng giấy. Nếu dùng giấy thì mỗi lần đi đến các điểm công cộng, người dân lại phải viết lại thông tin trước đó mất thời gian, tạo sự ùn tắc. Công tác khai thác khai báo cũng không hiệu quả vì với một chồng giấy khai báo, khi cần truy vết, tìm kiếm thông tin sẽ rất mất thời gian, thậm chí thất lạc giấy tờ. Còn khi khai báo y tế điện tử chỉ khai một lần và nếu có thêm thông tin chỉ cần cập nhật trên hệ thống. Khi đến các điểm chỉ cần kiểm tra mã là xong. Với thao tác đơn giản, thông tin trên hệ thống sẽ đọc ra ngay được lịch trình của người dân. Với ứng dụng QR Code, khi truy vết, cơ quan chức năng chỉ cần gõ tên, số điện thoại sẽ truy vết nhanh trên hệ thống”, ông Nguyễn Trường Nam đánh giá.

Theo lãnh đạo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp trọng tâm; trong đó có khai báo y tế điện tử. Tuy nhiên, để thay đổi được cách làm từ khai báo giấy sang khai báo điện tử, cần sự chuyển biến nhận thức từ từng người, cộng đồng. Hiện các ứng dụng khai báo y tế đã có những tính năng tiện lợi nhất cho người dùng.

Chú thích ảnh
Bài và ảnh: Xuân Cường - Tạ Nguyên
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 29/7 đến 1/8
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2021 sẽ được tổ chức từ ngày 29/7 đến 1/8

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch kịp thời khôi phục các hoạt động khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 được khống chế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam quyết định tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2021 từ ngày 29/7 - 1/8/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN