Ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố nhận định, trong giai đoạn hiện nay tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung và tổ chức công đoàn Thủ đô nói riêng đang đứng trước những cơ hội, thách thức có tác động sâu sắc đến hoạt động, đó là: Việt Nam đã Hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) và những cam kết quốc tế. Trong đó, 2 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có tác động mạnh mẽ đối với tổ chức công đoàn Việt Nam: Công ước 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể đã được Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết phê chuẩn; Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức, đang được Việt Nam xem xét tham gia.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với 609.274 đoàn viên và tổng số cán bộ công đoàn các cấp là 66.995 người. Trong những năm qua, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ công đoàn Thủ đô luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với hoạt động công đoàn. Cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cơ bản có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết, trách nhiệm khi được cấp ủy giao nhiệm vụ và được đoàn viên bầu cử, suy tôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cán bộ công đoàn của Thủ đô cũng còn những hạn chế như cán bộ công đoàn cơ sở còn tổ chức hoạt động hình thức và chưa đảm bảo đúng yêu cầu. Nhiều cán bộ công đoàn có trình trình độ nghiệp vụ công đoàn còn thấp; chính sách với đội ngũ cán bộ cơ sở chưa thỏa đáng; biên chế cán bộ của Liên đoàn lao động thành phố và các cấp quận huyện còn thiếu…
Ông Vũ Anh Đức, Trưởng Ban tổ chức Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Luật Lao động sửa đổi cho phép thành lập tổ chức đại diện cho người lao động ngoài tổ chức công đoàn. Đây sẽ là tổ chức cạnh tranh với tổ chức công đoàn hiện có. Do đó nếu công đoàn các cấp không có đổi mới hoạt động sẽ không thu hút được công đoàn viên”.
“Tổ chức đại diện cho người lao động theo quy định pháp luật chỉ có một nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người lao động và sẽ có bộ máy gọn nhẹ. Do đó, cơ cấu tổ chức công đoàn sắp tới cũng phải sắp xếp theo hướng tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, những tổ chức nào giải quyết được nhu cầu bức xúc của người lao động sẽ thu hút được họ tham gia. Đây sẽ là thách thức lớn với các tổ chức công đoàn thời gian tới. Do đó, công đoàn Thủ đô sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức khi sắp xếp lại bộ máy hoạt động; thu hút công đoàn viên gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động…”, ông Vũ Anh Đức nhận định.
Từ thực tế hoạt động tại cơ sở, ông Nguyễn Đức Nhân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử ASTI Hà Nội cho biết: “Cán bộ công đoàn cơ sở cần được quan tâm, cần được đào tạo, và hỗ trợ sát sao để họ nâng cao bản lĩnh, có tố chất và dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Sắp tới, khi luật cho phép xây dựng các tổ chức đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp thì công đoàn phải có những hoạt động cụ thể hơn, mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động hơn để đáp ứng thời kỳ mới”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, công tác công đoàn hiện nay đang đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn. Nguyên nhân là do cán bộ công đoàn thường xuyên thay đổi, công tác tuyển dụng và sử dụng cán bộ công đoàn còn nhiều bất cập nên chưa thu hút được những thủ lĩnh thực sự của phong trào công nhân. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, các tổ chức công đoàn nói chung và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nói riêng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tham mưu, phối hợp với lãnh đạo các doanh nghiệp, khu công nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch; xây dựng kịp thời các kịch bản ứng phó với diễn biến dịch bệnh; giữ vững sự an toàn trong các khu công nghiệp và chế xuất của Thủ đô trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng tại các địa phương lân cận.
Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng cho rằng, cùng với việc quan tâm tới công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ công đoàn chuyên trách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm xem xét ban hành định hướng cụ thể về việc tuyển dụng cán bộ công đoàn. Cùng với việc trau dồi trình độ chuyên môn, mỗi cán bộ công đoàn phải không ngừng nỗ lực, vận dụng các mối quan hệ để nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.