290 đại biểu không tán thành việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Chiều 17/11, sau khi Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội thảo luận ở tổ chiều ngày 13/11 và thảo luận tại hội trường sáng 17/11, đã có 290 đại biểu (bằng 73,79%) cho ý kiến chưa cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đa số đại biểu Quốc hội đã thể hiện chính kiến chưa tán thành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chỉ có 96/393 đại biểu được xin ý kiến đồng ý cần thiết với dự án Luật; 290 đại biểu cho rằng chưa cần thiết với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật. Đã có 169 đại biểu đồng ý và 206 đại biểu không đồng ý, 18 đại biểu không chọn phương án nào và 37 đại biểu có ý kiến khác.
Trước đó, sau khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách Luật Giao thông đường bộ, đã có 302 đại biểu Quốc hội không đồng ý.
Phục hồi sản xuất, đảm bảo lương thực cho người dân miền Trung sau mưa lũ
Chiều 17/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp với các đơn vị trực thuộc để bàn các giải pháp phục hồi sản xuất tại các tỉnh miền Trung sau đợt mưa lũ vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu trước mắt khu vực nông nghiệp phải đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, đảm bảo lương thực, thực phẩm từ nay đến Tết Nguyên đán cho người dân, không để nơi nào có người dân bị đói, thiếu nước sạch; đồng thời, các đơn vị cùng địa phương khẩn trương tập trung tạo sinh kế cho người dân.
Đối với trồng trọt, đẩy nhanh đưa vào sản xuất rau màu, các loại cây trồng ngắn ngày để vừa tạo sinh kế vừa tạo nguồn thực phẩm. Nơi nào có điều kiện trồng thì phải trồng ngay và tính toán trên cơ sở nhu cầu của từng địa phương để có các phương án hỗ trợ hạt giống cụ thể. Đặc biệt, Cục Trồng trọt phải chuẩn bị các phương án cho vụ Đông Xuân tới để thâm canh, tăng năng suất, chất lượng để bù vào những thiệt hại vừa qua, nhất là khoảng 3.000 ha sản xuất lúa bị đất đá vùi lấp cần có phương án phục hồi hoặc chuyển đổi sản xuất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau mưa lũ cần lưu ý vấn đề môi trường dịch bệnh trong nông nghiệp, đặc biệt là dịch bệnh trong chăn nuôi như: dịch tả lợi châu Phi, lở mồm long móng.
Đối với thủy sản, chỗ nào tái sản xuất được thì hỗ trợ, còn chưa sản xuất được thì tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường để tránh gây thiệt hại thêm cho người dân.
Từ ngày 5/10 đến nay, tại các tỉnh miền Trung liên tiếp xảy ra các cơn bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp gió mùa tăng cường gây ra mưa lớn kéo dài gây lũ lụt trên diện rộng, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế và sản xuất của nhân dân.
Nhằm hỗ trợ các địa phương phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp gần 39 tấn hạt giống cây trồng gồm: giống ngô, rau các loại từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho một số tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa bão.
Án phạt thích đáng với đối tượng ngược đãi, hành hạ mẹ già
Ngày 17/11, Tòa án nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1964) về hành vi ngược đãi, hành hạ mẹ ruột. Vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Theo cáo trạng, ngày 7/9/2020, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh Nguyễn Thị Hoa có hành vi dùng bạo lực hành hung, ngược đãi mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Đường (79 tuổi), gây phẫn nộ và bức xúc trong cộng đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Cần Đước, tiến hành điều tra, xác định Nguyễn Thị Hoa, sinh sống chung nhà với mẹ đẻ là bà Đường và con gái là Bùi Thanh Tuyền (32 tuổi) tại ấp 4, xã Long Hòa, huyện Cần Đước.
Ba người sống chung không hòa thuận, thường xuyên cự cãi lớn tiếng, mọi sinh hoạt trong gia đình đều riêng tư. Bà Nguyễn Thị Đường có nhà và ruộng đất nhưng không chuyển quyền sử dụng cho Hoa mà chuyển quyền sử dụng cho cháu ngoại là Bùi Thanh Tuyền, bà Nguyễn Thị Triệu (chị ruột bà Đường, hiện đã chết) và Nguyễn Văn Tèo (cháu ruột bà Đường).
Khoảng tháng 11/2018, bà Đường bị ngã nên không đi lại được. Thời điểm đó, Hoa là người trực tiếp chăm sóc bà Đường. Trong quá trình chăm sóc, do bực tức việc không được chia tài sản nên Hoa thường mắng chửi bà Đường bằng những câu tục tĩu. Những hành vi này được xác định xảy ra với mức trung bình 3 lần/tuần.
Trong một lần chứng kiến, chị Bùi Thanh Tuyền đã lấy điện thoại ghi lại sự việc Hoa đánh mắng bà Đường. Sau đó, Tuyền gửi đoạn clip này cho ông Nguyễn Văn Sự (anh họ bà Hoa) và ông Sự đã đăng lên Facebook. Trong đoạn clip thể hiện rất rõ các hành vi ngược đãi mẹ già của bà Hoa như chửi mắng tục tĩu, đánh… Đoạn clip sau khi đăng tải nhận được sự quan tâm của dư luận với hàng nghìn lượt bình luận thể hiện sự bức xúc.
Trước các hành vi của Nguyễn Thị Hoa, cơ quan chức năng huyện Cần Đước đã xác minh, làm rõ. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cần Đước truy tố Nguyễn Thị Hoa về tội "Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình ", theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 185, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hoa đã thừa nhận hành vi bạo hành, ngược đãi mẹ già như cáo trạng đã nêu. Bị cáo cũng rất ăn năn, hối hận về những hành vi của mình.
Căn cứ quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 4 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thị Hoa.
Gia Lai khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ vì để mất đất rừng
Thông tin từ Thành ủy Pleiku (Gia Lai) cho biết, Đảng bộ thành phố Pleiku đã ra các quyết định khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ sai phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.
Theo Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân, việc khai trừ Đảng được tiến hành sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có bản án phúc thẩm đối với 12 bị can, trong đó có 6 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Pleiku. Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định: “Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng” để áp dụng hình thức kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm.
Trước đó, ngày 15/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku, xã Trà Đa, xã Diên Phú…
Theo cáo trạng, từ năm 2010-2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để xảy ra các sai phạm tài chính, gây thiệt hại ngân sách gần 1,5 tỉ đồng; làm mất gần 64.000 m2 đất rừng, trong đó hơn 47.000 m2 đất lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái luật cho cán bộ thuộc Ban quản lý. Trong vụ án này, tổng mức án 12 bị cáo bị tuyên phạt là gần 200 tháng tù giam.
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét hành vi của ông Bùi Tiến Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch thành phố Pleiku. Lý do, ông Dũng đã ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân liên quan trong vụ án khi không đầy đủ thủ tục, điều kiện theo quy định, để một số đối tượng hợp thức hóa quyền sử dụng đất đối với các diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm. Sai phạm này là nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa xem xét xử lý theo quy định là xử lý vụ án chưa toàn diện, triệt để.