Giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm xuống dưới 3%

Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Lao động - Thương binh và Xã hội lần thứ V, năm 2020. Đến dự có Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Vụ Bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đó là Phong trào“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Phong trào“Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” trong ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đề nghị Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 gói hỗ trợ an sinh xã hội với hơn 62.000 tỷ đồng. Bộ đã cùng với Bộ Tài chính, Ngân hàng và các Bộ rà soát sửa đổi: “Bổ sung các đối tượng là giáo viên mầm non, các trường tư thục mất việc làm và điều chỉnh việc cho doanh nghiệp được vay từ gói 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động; trước đây đặt ra quy định là doanh nghiệp gặp khó do COVID-19 và không còn nguồn thu để trả lương - quy định này khó thực hiện được. Đợt này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất giảm tiêu chí cho vay theo hướng: Doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, bị giảm 20 % nguồn thu so với quý 4/2019 và quý liền kề thì được vay từ gói 16.000 tỷ đồng. Qua đó hỗ trợ nhiều cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự quan tâm, đồng lòng thực hiện của các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ hơn 9% vào đầu năm 2016, ước còn dưới 3% vào cuối năm 2020. Các địa phương xuất hiện nhiều mô hình, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo. Những người có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Hiện nay, cả nước có hơn 3 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe…

Thông qua việc thực hiện tốt các phong trào thi đua, giai đoạn 2015-2020, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục góp phần đưa các chính sách an sinh xã hội vào đời sống. Nổi bật là các phong trào mang ý nghĩa “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân, chăm sóc người có công được các cấp, các ngành quan tâm, ưu tiên thực hiện. Kết quả, trong 5 năm vừa qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 2.580 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 55.000 nhà ở của hộ gia đình người có công; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng…

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, ghi nhận những kết quả nổi bật ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đạt được trong giai đoạn 2015-2020. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với cả nước, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành cũng như các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Để thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua trong giai đoạn 2020-2025, qua đó tiếp tục thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các phong trào thi đua; vận động, thu hút sự tham gia tự giác, tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Việc thực hiện các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thông qua những công việc hằng ngày. Hình thức thi đua cần sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thuận lợi cho mọi người cùng tham gia.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng lưu ý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết dứt điểm việc xét khen thưởng thành tích kháng chiến còn tồn đọng, phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” nhằm thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với người có công cách mạng…

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã được biểu dương, khen thưởng.

XC/Báo Tin tức
Lan tỏa lòng nhân ái qua tấm thẻ BHYT
Lan tỏa lòng nhân ái qua tấm thẻ BHYT

Để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân bị ảnh hưởng bị bão lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong 2 tuần qua, BHXH Việt Nam đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra và tặng 2.500 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho người dân tại 10 tỉnh thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN