Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài5)

Sau gần 2 năm thực hiện, Chương trình quốc gia thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) đã thành công bước đầu và đạt được một số kết quả quan trọng.


Mô hình NTM theo 19 tiêu chí đã được hình thành, khẳng định việc lấy xã làm địa bàn tổ chức thực hiện và tổ chức xây dựng mô hình theo Bộ tiêu chí NTM là phù hợp. Chương trình đã góp phần xác định rõ hơn những nội dung về huy động nội lực, cách thức để người dân thực sự là “chủ thể” trong xây dựng NTM.

Bài 5: Nông thôn mới - thành công bước đầu từ các xã điểm

Kết quả bước đầu


Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM được thực hiện tại 11 xã, gồm Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Hải Đường (Nam Định), Thụy Hương (Hà Nội), Tam Phước (Quảng Nam), Tân Lập (Bình Phước), Gia Phố (Hà Tĩnh), Tân Hội (Lâm Đồng), Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), Mỹ Long Nam (Trà Vinh) và Đình Hòa (Kiên Giang).


Mục tiêu của chương trình nhằm thử nghiệm các nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách, xác định trách nhiệm và mối quan hệ chỉ đạo giữa các cấp trong việc xây dựng NTM; hình thành các mô hình trên thực tiễn về NTM để rút kinh nghiệm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên diện rộng.

Theo kết quả đánh giá của các địa phương, đến nay đã có 7/11 xã đạt được 10 tiêu chí trở lên, gồm: Thụy Hương; Tân Thịnh; Hải Đường; Gia Phố; Tân Thông Hội; Mỹ Long Nam; Định Hòa; trong đó có 3 xã đạt 13/19 tiêu chí trở lên là Thụy Hương 13, Tân Thịnh 14, Tân Thông Hội 14. Có 3 xã đạt từ 8-10 tiêu chí, gồm: Tân Lập, Tân Hội, Tam Phước.


Riêng xã Thanh Chăn (Điện Biên) tuy là xã khó khăn nhất, nhưng đã đạt 7/19 tiêu chí. Một số xã đạt kết quả tương đối toàn diện như: Hải Đường, Tân Thịnh, Tân Thông Hội...

Làm đường giao thông nội đồng ở xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Ảnh : Đình Huệ - TTXVN


Đánh giá về hiệu quả xây dựng mô hình NTM trên địa bàn, ông Đặng Quang Tạo, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, Bắc Giang, cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy đây là cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung cao để chỉ đạo các nội dung như lập quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vận động nhân dân chỉnh trang sửa chữa nhà ở, cổng ngõ, công trình giao thông thôn, xóm…”.

Đến nay, mỗi xã đã có ít nhất 3-5 dự án, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp được thực hiện. Ngoài sản xuất tập trung theo các dự án, hầu hết các xã đã tăng nguồn vốn hỗ trợ nông dân thông qua chương trình khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là vốn tín dụng để hình thành các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả kinh tế.

Song song với các hoạt động phát triển sản xuất, các xã đã chú trọng hơn đến củng cố, xây dựng các HTX và tổ hợp tác làm cầu nối giữa nông dân với các đơn vị khoa học và doanh nghiệp. Trong đó, tổ hợp tác có chiều hướng phát triển mạnh hơn (từ 28 tổ tăng lên 104 tổ). Đồng thời đã coi trọng việc tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các doanh nghiệp.


Ngoài ra, sự tham gia của các cơ quan khoa học, kỹ thuật, các doanh nghiệp với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng vào các hoạt động phát triển sản xuất bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt về sản xuất và nâng cao thu nhập ở các xã Thanh Chăn (Điện Biên), Tân Thịnh (Bắc Giang), Tân Thông Hội (TP.HCM), Hải Đường (Nam Định)...

Theo ông Đặng Quang Tạo, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, Bắc Giang, một thành công trong xây dựng NTM ở Tân Thịnh là công tác đào tạo nghề cho nông dân. Xã đã mở 14 lớp đào tạo nghề: Trồng hoa ly, trồng nấm, chăn nuôi lợn, gà, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Trong thời gian ngắn, tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nâng từ 17% lên 29%. “Đây là vấn đề chúng tôi rất tâm đắc trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM” - ông Tạo cho biết.

Nói về quá trình thực hiện chương trình ở địa phương, ông Nguyễn Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban quản lý xây dựng NTM xã Mỹ Long Nam, Trà Vinh cho biết, bước đầu thực hiện, xã đã triển khai rộng rãi đưa chương trình đến với người dân, lựa chọn những hạng mục công trình ưu tiên đầu tư, qua đó được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình cao.


Chương trình xây dựng NTM được gắn kết với xây dựng xã văn hóa, nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, nhất là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng phát triển gắn với đầu tư phát triển sản xuất tốt, góp phần tăng thu nhập của bà con, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 20 triệu đồng/người/năm.

Sẽ hoàn thành chương trình vào năm 2013

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2011, có 8/11 xã cơ bản hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM; các xã còn lại (Thanh Chăn, Định Hòa, Tân Lập) do có điểm xuất phát thấp sẽ hoàn thành chậm nhất vào năm 2013.


Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Trung ương đã xác định những công tác cần tập trung chỉ đạo trong năm 2011. Đó là tập trung thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời xây dựng quy chế quản lý quy hoạch; tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân ở các xã hiểu và thực hiện. Trước mắt tổ chức cắm mốc chỉ giới xây dựng cho tất cả các công trình hạ tầng công cộng đã quy hoạch; có hướng dẫn để người dân bố trí các công trình phù hợp, đảm bảo cảnh quan môi trường đẹp…

Ban chỉ đạo tập trung công tác chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng thu nhập, nhằm phấn đấu đến cuối năm 2011, hầu hết các xã đều cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động.


Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị của Bộ NN và PTNT, các sở, ngành liên quan ở tỉnh, thành phố xuống giúp xã xây dựng mô hình sản xuất kinh tế hàng hóa, áp dụng công nghệ cao tại các xã. Đảm bảo mỗi đơn vị giúp xã ít nhất được một mô hình có hiệu quả đi vào hoạt động.

Ban chỉ đạo các địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị định 61/NĐ-CP (về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn) phù hợp với địa phương để thu hút doanh nghiệp, cá nhân có vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, các công trình cơ sở hạ tầng điện, nước sạch, chợ, xử lý môi trường tại địa bàn. Phấn đấu mỗi đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Trung ương, thành viên Ban chỉ đạo tỉnh phải giới thiệu, lôi cuốn được ít nhất 1 doanh nghiệp về đầu tư tại xã.

Các tỉnh ưu tiên lồng ghép vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn cho xã điểm để tập trung hoàn thành cơ bản cơ sở hạ tầng thiết yếu, ngoài vốn ngân sách cấp; thực hiện phương châm tạo điều kiện để các xã điểm về đích trước, làm mẫu cho các địa phương khác học tập.


Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các nội dung và chất lượng hoạt động về giáo dục, y tế, văn hóa và các hoạt động cải thiện môi trường; hoàn thành cơ bản việc xây dựng các thôn, bản, làng và hộ gia đình đáp ứng tiêu chí văn hóa và NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2011, mỗi xã có ít nhất 60% số thôn (ấp, xóm, làng, bản) đạt chuẩn về "thôn văn hóa NTM"; 80% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa NTM.

Hương Thủy – Bích Thủy

Bài cuối: Trường kỳ “kháng chiến”, nhất định thắng lợi

Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài4)
Thí điểm mô hình nông thôn mới(Bài4)

Một trong những giải pháp hữu hiệu để "giữ chân" lao động trẻ ở nông thôn là đưa nhà máy về làng. Tỉnh Hưng Yên đã thực sự “thay da, đổi thịt” nhờ chính sách này, người dân không còn phải bỏ làng, bỏ xóm đi làm thuê nơi khác, đồng thời thu nhập cũng tăng lên đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN