Tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông

Hàng loạt dự án cán đích trong 9 tháng qua đã giúp ngành giao thông vận tải tạo đột phá về hạ tầng, cải thiện đáng kể năng lực giao thông. Đó là thông tin được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra tại sơ kết 9 tháng đầu năm 2015, tổ chức ngày 13/10.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc hàng loạt dự án cán đích trong 9 tháng qua đã giúp ngành GTVT tạo đột phá về hạ tầng, cải thiện đáng kể năng lực giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế trọng điểm. Đơn cử, như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đầu tư theo hình thức BOT sẽ thông toàn tuyến vào tháng 12/2015, gỡ nút thắt hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

9 tháng qua, Bộ GTVT có 13 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, với tổng số vốn huy động trên 40.000 nghìn tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch. Tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước hoàn thành sớm hơn dự kiến 18 tháng. Bộ GTVT cũng đã hoàn thành, đưa vào khai thác 26/38 dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và dự kiến cơ bản hoàn thành toàn tuyến trong năm 2015, sớm hơn một năm so với kế hoạch. 

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội vùng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Ngành GTVT đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra cho 9 tháng. Hầu hết các dự án hạ tầng đều hoàn thành vượt tiến độ. Để có được kết quả này, trong suốt quá trình triển khai, đặc biệt là giai đoạn nước rút, hàng tháng, lãnh đạo Bộ GTVT đều tiến hành giao ban, kiểm điểm tiến độ từng dự án tại hiện trường, kịp thời thay thế ngay các chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém. Riêng vấn đề hằn lún vệt bánh xe hiện đã cơ bản hoàn thành việc xử lý hằn lún trên QL1, QL14. 

Dưới góc nhìn từ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Thời gian qua, hạ tầng giao thông được cải thiện đáng kể với việc thu hút nhiều nguồn vốn BOT, xây dựng được nhiều dự án giao thông trọng điểm, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, nhất là việc hoàn thành sớm hai siêu dự án QL1, QL14 đã góp phần hạ chi phí, tăng khả năng cạnh tranh vận tải. 

Cùng với cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, chất lượng dịch vụ ở hầu hết các lĩnh vực của ngành GTVT được nâng lên đáng kể. Ngành Hàng không tiếp tục “ghi điểm”, với hơn 151.000 chuyến bay, trong đó tỷ lệ chậm chuyến chiếm gần 16%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014, nằm ở top đầu khu vực và mức khá trên thế giới. Ngành Đường sắt đã đạt doanh thu bằng 99% kế hoạch năm và việc hệ thống bán vé tàu điện tử tự động mang lại tiện lợi tối đa cho hành khách về chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, tình trạng xe quá tải hoạt động ngang nhiên đến nay đã cơ bản được kiểm soát trên đường bộ, số xe vượt tải trọng trên 100% đã giảm nhiều, khi hầu hết các địa phương đã tích cực vào cuộc xử nghiêm xe quá tải…

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Trong 3 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ dồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án QL1 để đưa vào khai thác đảm bảo an toàn giao thông và hoàn thành cầu Đại Ngải nối Sóc Trăng với Cà Mau, xoá phà cuối cùng của đất nước… Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tổng kết 5 năm GTVT các vùng Tây Nam Bộ - Tây Nguyên – Tây Bắc để đưa ra nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2016-2020. 

Ngày 13/10, Bộ GTVT cũng đã công bố Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt đến năm 2020, đảm bảo đáp ứng từ 1-2% thị phần vận tải hành khách, từ 1-3% thị phần vận tải hàng hóa và từ 4-5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tiến Hiếu (TTXVN)
Bộ GTVT kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy
Bộ GTVT kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN