Mục tiêu của thành phố Hà Nội đặt ra đối với nam đạt chiều cao trung bình là 167,5cm (năm 2025) và 169cm (năm 2030); đối với nữ là 156,5cm (năm 2025) và 158cm (năm 2030). Bên cạnh đó, cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của đa số học sinh, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển trong khu vực. Cụ thể, đối với nam chạy tùy sức 5 phút tính quãng đường trung bình đạt 1080m (năm 2025), 1150m (năm 2030), với nữ đạt 860m (năm 2025) và 1000m (năm 2030); lực bóp tay thuận đạt trung bình 46kg (năm 2025), 48kg (năm 2030) đối với nam và 32kg (năm 2025), 34kg (năm 2030) đối với nữ.
Theo đó, thành phố đề ra 4 chương trình hành động lớn gồm: Tuyên truyền, giáo dục và vận động thay đổi hành vi về phát triển thể lực và tầm vóc người Hà Nội; tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô; đảm bảo chế độ dinh dưỡng và tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3 - 18 tuổi trong nhà trường; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể thao, xây dựng và phát triển phong trào tập thể dục, thể thao trong cộng đồng...
Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Đồng thời, vận động thanh niên, đặc biệt là người có nguy cơ cao thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân…; nâng cao nhận thức thực hành dinh dưỡng hợp lý cho các bà mẹ mang thai, các bậc cha mẹ nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi; tuyên truyền các nội dung chăm sóc dinh dưỡng, luyện tập thể thao nhằm giảm tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và học học sinh các cấp, vị thành niên, thanh niên.
Cùng với đó, lồng ghép tuyên truyền tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, thanh niên nhằm giảm thiểu các dị tật bẩm sinh, bệnh về tim mạch, béo phì, bệnh gây bất thường về chiều cao thân thể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; tổ chức mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình, học sinh về kiến thức, hành vi chăm sóc dinh dưỡng, tập luyện thể dục, thể thao, thực hiện lối sống lành mạnh.
Với chương trình tăng cường chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục triển khai đề án “Tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh giai đoạn 2016-2020”; xây dựng và trình UBND thành phố đề án "Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030"; tiếp tục triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; đồng thời tham mưu với UBND thành phố xây dựng kế hoạch tăng cường truyền thông, tư vấn, khám sức khỏe nam, nữ trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030.
Cùng với đó, phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh và hỗ trợ sinh sản...
Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai để giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, chương trình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ béo phì; triển khai các hoạt động kiểm soát và khống chế sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và học sinh tiểu học, đặc biệt là khu vực thành phố…; tiếp tục triển khai và duy trì chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng hàng năm cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi.
Sở Y tế cũng sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát, đánh giá và cập nhật số liệu về chương trình dinh dưỡng học đường, trong đó có chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng; góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020.