Bài 1: Tạo sự thay đổi từ khu dân cư
Sau khi thí điểm tại cấp phường ở 4 quận huyện, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đang được triển khai rộng khắp tới các tổ, khối dân cư của Hà Nội.
Thảo luận những hành vi cần thay đổi
Mới đây, tổ 4 phường Đội Cấn (Ba Đình) đã có buổi tọa đàm triển khai bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng tại địa bàn, thu hút đông đảo người dân tham gia đóng góp ý kiến. Chị Nguyễn Thùy Linh, Bí thư chi đoàn tổ dân phố, cho biết: Với tác động của công nghệ thông tin, truyền hình, nhiều luồng văn hóa mới du nhập đã tác động lớn đến giới trẻ. Để gìn giữ văn hóa truyền thống, nếp sống đô thị, trước hết cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật như đi ra đường đội mũ bảo hiểm, giữ vệ sinh môi trường, cư xử lễ phép với người lớn tuổi…
Buổi tọa đàm tại tổ dân phố số 4, phường Đội Cấn (Ba Đình).
|
Tuy nhiên, để có những thay đổi này, cần sự chung tay của mọi người. “Đơn cử khi gặp một người lớn tuổi hút thuốc ở nơi công cộng, ảnh hưởng đến người khác, nếu không có biển báo hoặc nhắc không khéo sẽ bị họ phản đối”, chị Nguyễn Thùy Linh chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Hợp lại góp ý về những quy tắc ứng xử tại đình đền chùa, trong đó là hành vi không nên khi đ lễ chùa như để tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây, mà nên để vào hòm công đức. Đi chùa cũng nên hạn chế đốt vàng mã, bởi đạo Phật không khuyến khích tập tục này, đồng thời không cúng đồ mặn, bia rượu.
Trong khi đó, ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc chia sẻ về sự làm gương của người cao tuổi trong gìn giữ nếp sống văn hóa, vệ sinh môi trường. “Tại tuyến phố như Đội Cấn có quy định đổ rác theo giờ, do đó người cao tuổi cần gương mẫu thực hiện, nhắc nhở con cháu thực hiện đúng nội quy. Bên cạnh đó là việc không vứt rác bừa bãi, khi dắt chó đi dạo phải đảm bảo vệ sinh công cộng. Việc tuy nhỏ nhưng nếu không ý thức giữ gìn làm bẩn đường phố”.
Còn tại tổ dân phố số 2 phường Trung Hòa (Cầu Giấy), người dân thảo luận về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm trong quá trình đô thị hóa. Trong đó, người dân cùng nhau góp ý về việc đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế thả rông vật nuôi.
Còn ông Phạm Quang Chương, bí thư chi bộ tổ 9 phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) nhận định người dân trong tổ dân phố quan tâm nhất là vệ sinh môi trường. Do đặc điểm nhiều ngách nằm xa đường trục chính nên theo quy định sau 14 giờ mới được để rác ra ngoài ngõ hoặc nghe tiếng kẻng mới mang rác ra đổ nhưng có những gia đình đi làm hoặc thuê osin nên để rác ra từ sớm. Sau khi họp nhắc nhở thì những gia đình vi phạm đã chấp hành. Sống trong cộng đồng cần nhất là ý thức người dân và tạo thành thói quen.
Phường Xuân La là khu vực giáp ranh đang trong quá trình đô thị hóa cũng được quận Tây Hồ chọn làm điểm về tổ chức tọa đàm tại khu dân cư triển khai bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng thu hút được sự quan tâm của người dân. Ông Nguyễn Viết Mậu, tổ phó tổ dân số 4B phường Xuân La (quận Tây Hồ) cho biết: Cuối tháng 7, phường có tổ chức cho đại diện các tổ dân phố thảo luận các hành vi ứng xử tại nơi công cộng với các tình huống cụ thể của cán bộ phường, quận khi xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quản lý thị trường, vệ sinh môi trường tại các chợ, nơi buôn bán.
Có thể thấy, vấn đề vệ sinh môi trường, trật xây dựng được nhiều người dân quan tâm tại các khu dân cư bởi đây ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan với thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội.
Tạo thói quen cho người dân
“Chúng tôi quan tâm nhất là sự công tâm, minh bạch của những cán bộ khi xử lý các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, trật tự công cộng trên địa bàn. Nếu cán bộ làm nghiêm thì người dân sẽ chấp hành. Ứng xử của những người thi hành công vụ sẽ khiến những người có hành vi vi phạm phải tuân thủ theo quy định và tạo thành thói quen và lâu dần thành nếp”, ông Nguyễn Viết Mậu chia sẻ.
“Những người dân sống ở phố quan tâm tới việc để xe đúng nơi quy định. Vỉa hè Đội Cấn nhỏ hẹp, lại vướng bốt điện, nếu để xe không đúng quy định thì sẽ chắn hết hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đơn cử như ở số nhà 25 Đội Cấn, người dân tại tổ cũng đã góp ý với gia đình về chỗ để xe nhưng thực tế chỉ khi bị chủ tịch phường nhắc nhở nhưng không thực hiện, bị công an xử phạt thì chủ nhà mới thực hiện để xe đúng nơi quy định. Có thể thấy bên cạnh việc tuyên truyền cần có chế tài xử phạt mới triển khai đồng bộ”, ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường Đội Cấn cho biết.
Một tiết mục thi tìm hiểu ứng xử nơi công cộng quận Cầu Giấy.
|
Đứng ở góc độ đơn vị triển khai cấp phường, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La cho biết: Sau khi tổ chức thí điểm triển khai tại khu dân cư số 5, phường đã in mẫu tờ rơi thành 17 bộ những quy tắc ứng xử nơi công cộng để phát tới người dân. Việc tuyên truyền xuất phát từ chính nhu cầu của người dân nên những tọa đàm tại tổ dân phố là dịp để người dân phản ánh những bất cập đang tồn tại và chính họ là người đưa ra các giải pháp. Đặc biệt Xuân La là khu đô thị mới xen kẽ với làng xóm cũ, nên khi thảo luận tại tổ, người dân cũng nêu ra vấn đề về tình làng nghĩa xóm, sự gắn kết giữa người mới đến ở và những hộ định cư lâu đời sao cho có sự hòa nhập, gắn kết, không như tình trạng một số khu dân cư mới "đèn nhà ai nhà đó rạng". Cũng thông qua tọa đàm tại khu dân cư phổ biến, định hình xây dựng, gìn giữ những truyền thống văn hóa tốt đẹp người Hà Nội.
Còn bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Cầu Giấy cho biết: 285 tổ dân phố trên địa bàn quận Cầu Giấy đã triển khai tọa đàm. Theo đó, từng địa bàn dân cư lựa chọn chủ đề mà người dân nhận thấy còn bất cập, bức xúc để tiến hành thảo luận, chỉ ra những mặt chưa được và đưa ra giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, từng địa bàn sẽ thảo luận lại đưa ra quy ước của tổ dân phố để cùng thực hiện.
“Trong quá trình thực hiện trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy người dân đều phản ánh cư xử của lớp trẻ hiện nay không tốt, không ít em nói tục chửi bậy, đánh nhau… Do đó, quận Cầu Giấy đã phối hợp triển khai ký quy tắc ứng xử này tại tất cả trường học. Theo đó, tất cả học sinh trên địa bàn đều ký cam kết về quy tắc ứng xử”, bà Nguyễn Thu Trang cho biết.
Còn bà Châu Thị Thùy Giang, Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Tây Hồ cho biết: Phòng đã phối hợp với các phường tổ chức tọa đàm, tuyên truyền lồng ghép nội dung quy tắc ứng xử nội công cộng gắn với thực hiện các tiêu chí của phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phòng VHTT đã phối hợp với quận đoàn tuyên truyền trên mạng xã hội thu hút thanh niên tham gia thảo luận.
Quận Tây Hồ cũng đã in 40.000 cuốn Sổ tay tuyên truyền quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gần trăm bảng hiểu gắn nơi công công nhiều người qua lại như chợ, sân chơi, nhà văn hóa…
Còn ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đánh giá việc triển khai hai bộ quy tắc ứng xử như là "sợi dây mềm" liên kết vận động, tuyên truyền người dân xây dựng nông thôn mới, vệ sinh môi trường nông thôn với phong trào đường có hoa, tường quê có họa (bức họa) để làm phong phú đời sống tinh thần của người dân....
Cùng với tọa đàm, các phường, xã tại quận huyện cũng tổ chức hội thi tuyên truyền. Theo Sở VHTT Hà Nội các quận, huyện, thị xã trên toàn Thành phố đang tổ chức Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2018 với các đội đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố. Các đội thi lần lượt trải qua 3 phần thi gồm: Phần chào hỏi, phần thi kiến thức xử lý tình huống bất ngờ phát sinh khi tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của cán bộ cơ sở. Từ vòng thi các quận huyện, thành phố sẽ tổ chức hội thi chung kết vào tháng 8, qua đó sẽ nhân rộng những cách làm hay, điển hình tốt.
"Bên cạnh đó là việc lồng ghép nội dung Quy tắc ứng xử vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học phổ thông; tuyên truyền trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng; lồng ghép tuyên truyền ứng xử khi tham gia giao thông trên các loa truyền thanh tại các điểm nút giao thông; tuyên truyền bảng biển tại các các bến xe, nhà ga, trên xe buýt, xe khách về nội dung ứng xử tại nhà ga, bến ô tô, bến tàu. bổ sung tiêu chí thực hiện Quy tắc ứng xử vào bình xét các danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết.