Hy sinh thầm lặng của người có chồng và con cùng là liệt sĩ phi công

Bà Lê Thị Minh Thủy (sinh năm 1963, ở phường Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) có chồng và con trai đều là phi công, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong thời bình vào các năm 2005 và 2016.

Chú thích ảnh
“Mẹ Việt Nam Anh hùng” Lê Thị Minh Thủy (ngoài cùng bên trái) nhận hoa và quà tri ân từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa.

Mẹ Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2018. Đây chính là sự ghi nhận, tôn vinh, tri ân sâu sắc đối với những hy sinh thầm lặng mà cao cả của mẹ. Sống trong tình yêu thương của mọi người, mẹ Thủy mong muốn, mỗi người trong thời bình hãy sống có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Những ngày cuối tháng 7, khi cả nước hướng đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, công tác thương binh - liệt sỹ, trong căn hộ nhỏ gần biển Nha Trang, mẹ Lê Thị Minh Thủy được các bạn đoàn viên, thanh niên đến nhà thăm hỏi ân cần.

Một ngày của mẹ bắt đầu và kết thúc với những bài tập thể dục trên bãi biển bởi lẽ “ở tuổi của mẹ, có sức khỏe là sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Mẹ không muốn chuyện ốm đau của mình làm phiền lòng con cháu ở xa”.

Mẹ Thủy có chồng là Thượng tá Dương Văn Thanh, hy sinh năm 2005 khi mới 49 tuổi, công tác tác tại Trung đoàn Không quân 910, Trường Sỹ quan Không quân (đặt tại Khánh Hòa).

Mẹ Thủy kể, tháng 4 cách đây 20 năm, trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện cho học viên trên bầu trời vịnh Nha Trang, máy bay gặp sự cố kỹ thuật, chồng của mẹ đã ra đi mãi mãi. Lúc đó, phi công Dương Văn Thanh đã yêu cầu học viên nhảy dù để đảm bảo an toàn, còn bản thân điều khiển máy bay lao xuống biển, tránh ảnh hưởng đến người dân và du khách trên đảo du lịch Hòn Tre. Đến năm 2007, liệt sỹ Thượng tá Dương Văn Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Sau ngày chồng mất, mẹ cố gắng làm việc tại cơ quan, làm thêm ở ngoài để quên chuyện buồn, vừa có tiền cho con ăn học. Những tưởng sẽ nguôi ngoai, nào ngờ, con trai Dương Lê Minh với ước mơ điều khiển cánh bay trên bầu trời cũng theo bố dừng mãi ở tuổi 32”, mẹ Thủy nghẹn ngào nói.

Liệt sỹ, Thiếu tá Dương Lê Minh từng là học viên Trường Sỹ quan Không quân, sau khi ra trường đi làm, anh được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài khoảng 2 năm. Năm 2010, trở về nước, phi công Dương Lê Minh làm nhiệm vụ bay trực thăng dịch vụ chở công nhân, máy móc, vật tư… từ đất liền ra các giàn khoan ở Biển Đông và ngược lại. Năm 2016, Thiếu tá Dương Lê Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay cho các học viên, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình nhỏ của mình và mẹ Minh Thủy.

“Lúc chồng hy sinh, tôi cũng lo lắng cho sự an toàn của con trai nhưng hoài bão, ước mơ của con nên tôi động viên con học tập, làm tốt nhiệm vụ. Minh học rất giỏi, được cử đi tu nghiệp. Tôi rất vui nhưng không ngờ nhận tin dữ, mất chồng rồi mất con khi đất nước đang thời bình”, mẹ Thủy kể.

Tháng 7/2018, bà Lê Thị Minh Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện người con gái của mẹ lập gia đình, định cư ở nước ngoài, con dâu và 2 cháu nội (con của liệt sỹ Dương Văn Minh) sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ Thủy vẫn muốn sống ở Nha Trang để chăm lo nhà cửa, hương khói cho chồng và con trai.

“Nha Trang là nơi gắn bó của tôi cùng chồng và các con. Dù thế nào, tôi vẫn muốn sống ở đây để giữ gìn”, mẹ Thủy chia sẻ.

Chú thích ảnh
Mẹ Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2018.

Ngày 24/7, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, vinh danh người có công, nhân chứng lịch sử tiểu biểu năm 2025 tại Thủ đô Hà Nội, mẹ Thủy là đại diện của tỉnh Khánh Hòa tham dự.

Với mẹ Thủy, đây là sự ghi nhận, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho mẹ nói riêng, những người có công nói chung.

“Dù là thời bình, không đạn bom nhưng lần lượt có chồng và con hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ thế nhưng mẹ vẫn vượt qua, chấp nhận cuộc sống và khỏe mạnh. Vậy nên, thế hệ trẻ của các con cần cố gắng nhiều hơn nữa, hãy sống vì bản thân, gia đình, xã hội và có trách nhiệm với mỗi hành động của mình. Tuổi trẻ cần cố gắng phấn đấu cho lý tưởng, ước mơ, hoài bão để khiến bản thân ngày một tốt hơn, làm thêm những điều có ích cho cộng đồng”, mẹ Thủy dặn dò.

Ông Huỳnh Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang còn sống, trong đó có Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Minh Thủy. Cùng với đó, Khánh Hòa có 120 mẹ liệt sỹ còn sống, 1.437 thân nhân liệt sỹ đang hưởng trợ cấp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang thực hiện chính sách dành cho 7.233 người đang thờ cúng liệt sỹ.

Các nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ được quan tâm tu bổ, nâng cấp, đầu tư từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác.

Từ năm 2021 đến tháng 4/2025, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Khánh Hòa đã vận động trên 10 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng xây, sửa nhà cho người có công với cách mạng, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công cũng như giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân của thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Bộ đội Biên phòng thiết thực đền ơn, đáp nghĩa
Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Bộ đội Biên phòng thiết thực đền ơn, đáp nghĩa

Thành phố Đà Nẵng hiện nay nổi tiếng là địa phương có truyền thống cách mạng, với nhiều căn cứ, chiến khu quan trọng, cùng hàng chục nghìn liệt sỹ đã anh dũng hy sinh qua các thời kỳ kháng chiến. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025), Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các thương binh, liệt sỹ, người có công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN