Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Nhiều doanh nghiệp, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn luôn tiềm ẩn.

Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn.


Theo thống kê của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, tỉnh Nghệ An hiện có 1.268 bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Trong đó, 45 bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, 576 bếp ăn tập thể tại trường học và 647 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn. Qua kết quả kiểm tra, giám sát mới đây của cơ quan chức năng chỉ có 445 cơ sở (đạt 46,8%) được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, còn 735 cơ sở (tỷ lệ 53,2%) chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Điều đáng nói, việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tập trung chủ yếu ở thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò còn tại các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng. “Do việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm không an toàn, quy trình chế biến không đảm bảo theo nguyên tắc một chiều, người trực tiếp chế biến thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hành vệ sinh kém…là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm”, ông Đào Trọng Dũng – Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết. Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 1.000 người mắc, trong đó hơn 500 người nhập viện điều trị, 5 trường hợp tử vong. Cuối tháng 5 mới đây, ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, gần 100 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện do ăn nộm bì lợn thập cẩm tại đám cưới.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, tỉnh Nghệ An chú trọng nâng cao ý thức cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đơn vị, trường học có tổ chức bếp ăn tập thể chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đơn vị, doanh nghiệp, trường học cũng cần đầu tư cơ sở vật chất cho bếp ăn tập thể, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nguồn nguyên liệu thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng – đây là yếu tố tiên quyết phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Tỉnh đã thành lập các đoàn chuyên ngành thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thẩm định cấp mới và đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện việc giám sát phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các bếp ăn tập thể nhất là vào mùa hè, thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...

Bên cạnh đó, các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chủ động kiểm tra, kiểm soát tồn dư hoá chất dư hại trong nông-thủy sản, thực phẩm tươi sống; chất lượng thịt gia súc, gia cầm; quản lý nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ các sản phẩm nông nghiệp như gạo, rau củ quả, thịt, thủy sản… cung cấp cho các bếp ăn, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn theo đúng quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành Công thương phối hợp với Sở Y tế trong công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm. Ngành giáo dục và đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học có bếp ăn tập thể đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không để các cơ sở không đủ điều kiện cung ứng các dịch vụ ăn uống trong trường học.


Bích Huệ
Cung cấp thịt thối cho bếp ăn tập thể
Cung cấp thịt thối cho bếp ăn tập thể

Chiều 29/9, các “hiệp sĩ” thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương) đã bắt một vụ vận chuyển thịt thối cung cấp cho bếp ăn tập thể tại Khu công nghiệp Mỹ Phước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN