Sau khi ổn định dân cư, để tập hợp lực lượng, hun đúc tinh thần cứu nước, cụ tổ Đinh Nghiên lập chùa Đồng Rè bằng tre gỗ, lợp lá. Đến năm 1906, chùa được tu bổ lần thứ nhất với hậu cung và tam quan rộng rãi, được xây bằng gạch. Từ đó, chùa Đồng Rè trở thành nơi giao lưu, bày tỏ tâm đức của hàng trăm người dân trong và ngoài vùng.
Giai đoạn cách mạng 1936 - 1939, chùa Đồng Rè là nơi diễn ra các hoạt động như phong trào “học quốc ngữ”, “trồng cây”, “đào giếng”… Đã có hàng nghìn cây được trồng trên các tuyến đê từ thôn Tiên Cầu đến thôn Ngọc Chi. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, nhất là từ khi cao trào kháng Nhật cứu nước, 4 cha con cụ Đinh Nghiên là Đinh Rạng, Đinh Phước và ông Miện (con rể cụ Đinh Nghiên) vừa dạy học vừa tham gia hoạt động Việt Minh. Trong nạn đói lịch sử Ất Dậu 1945, chùa và xóm Đồng Rè còn là một trong những Trung tâm cứu tế, cứu đói cho người dân trong vùng. Đầu tháng 4/1945, Ban Tỉnh ủy lâm thời được thành lập và đặt cơ quan in tại An Bồi (Kiến Xương), gần đến ngày khởi nghĩa chuyển về chùa Đồng Rè, in truyền đơn, tài liệu, in lại báo “Cứu quốc”, báo “Cờ giải phóng” phân phát xuống cơ sở.
Chùa Đồng Rè là nơi diễn ra các hoạt động như phong trào “học quốc ngữ”, “trồng cây”, “đào giếng”… |
Năm nay đã 90 tuổi, trong đó có 70 năm tuổi Đảng, ông Bùi Xuân Tiềm (sinh năm 1925), thôn A Mễ, xã Quỳnh Trang là người địa phương duy nhất hiểu rõ về chùa Đồng Rè thời kỳ tiền khởi nghĩa 1945 cho biết: Sau khi được thành lập, Ban thường vụ Tỉnh ủy quyết định chọn Phương Quả là an toàn khu, bởi đây là nơi có địa thế giáp ranh của 5 khu Tiên Cầu, Phúc Bồi, Gạo, Tài Giá, Mỹ Giá, chưa có lực lượng nào cai quản. Tỉnh ủy chọn chùa Phương Quả là nơi họp của cán bộ Tỉnh ủy và chùa Đồng Rè là nơi in các tài liệu, phục vụ tuyên truyền cho cuộc cách mạng. Thời điểm này in thủ công bằng cách viết tay, viết ngược để khi in ra sẽ thành chữ xuôi, những truyền đơn, khẩu hiệu được phân phát cho toàn bộ khu vực huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ). Cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, truyền đơn đến tay người dân, thúc giục ngọn lửa đấu tranh đã làm phong trào cách mạng cứu quốc tại Quỳnh Côi phát triển mạnh mẽ nhất trong tỉnh.
Gia đình cụ Đinh Văn Nghiễn (con trai cụ Đinh Nghiên) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cơ quan in này. Để giữ bí mật, hàng ngày bộ phận in ăn ngủ tại nhà cụ Nghiễn, đến đêm mới vào chùa để in tài liệu. Đêm nào cũng có 10 - 15 người là giao liên, cán bộ đến chùa và nhà cụ Nghiễn làm nhiệm vụ in và mang tài liệu đi phân phát xuống cơ sở.
Trong cuộc đấu tranh của dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Đồng Rè mang ý nghĩa lịch sử quan trọng. Năm 1947, thực hiện “Lệnh tổng phá hoại để kháng chiến”, huyện Quỳnh Côi đã phá dỡ huyện đường và nhiều công trình kiên cố, huyện đã đưa nhiều tài liệu và đồ đạc về chùa Đồng Rè cất giữ. Năm 1950, khi thực dân Pháp đánh Thái Bình, chùa là nơi đặt trạm liên lạc và điện đài của Ban chỉ huy mặt trận Bắc đường 10. Năm 1951, tình hình cách mạng gặp nhiều khó khăn, chùa Đồng Rè được xây dựng là căn cứ dự bị. Năm 1952, nhiều tài liệu quan trọng của Quân khu tả ngạn do đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy được cất giấu tại đây.
Nguy cơ bị xóa sổ Là cơ sở cách mạng quan trọng trong kháng chiến, nhưng hiện nay chùa Đồng Rè đang xuống cấp nghiêm trọng. Men theo con đường bê tông xóm 8, thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, chúng tôi tìm được ngôi chùa có lịch sử hơn 100 năm này. Chùa được bao quanh bởi cánh đồng lúa xanh ngát, đường vào vốn là bờ ruộng được người dân đắp thêm. Chứng kiến ngôi chùa xuống cấp trầm trọng, không ai tránh khỏi nỗi xót xa. Theo giấy tờ còn lưu lại, ngôi chùa có diện tích hơn 1.400 m2, nhưng hiện chỉ còn lại một nhà thờ chính và một nhà sư trụ trì ở trước đây, cả hai công trình này đều xuống cấp. Những cánh cửa chính ra vào “có cũng như không” bởi nó đã mục nát, cửa sổ gãy và không thể đóng kín, mái ngói vỡ và dưới sàn ngổn ngang những thanh gỗ và bát hương. Không ai nghĩ đây là một căn cứ có ý nghĩa trong thời kỳ Cách mạng xưa kia.
Chị Phạm Thị Vũ, xóm 8, thôn Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, người trông coi chùa cho biết: Trước đây sư thầy Quang Đăng Hằng trụ trì tại chùa. Năm 1980 sư thầy mất, các gia đình trong làng thay phiên nhau trông nom chùa trong khoảng 4 - 5 năm. Sau đó, do những bất đồng nên ngôi chùa đã không còn ai trông nom nữa. Mãi đến năm 2009, chị Vũ nhận nhiệm vụ trông nom chùa. Nhiều người dân tại đây cho biết đã nhiều lần kiến nghị trùng tu ngôi chùa và lập hồ sơ công nhận là di tích, tuy nhiên nhiều năm nay ngôi chùa ngày càng xuống cấp.
“Năm 1997, một vài gia đình trong làng nhận chùa Đồng Rè là chùa nhà họ, nhận trông coi nhưng cuối cùng lại bỏ không và đến nay chùa đã trở thành phế tích. Người dân đề nghị nhiều lần, năm 2013 xã cũng đã có tờ trình xin xếp hạng chùa Đồng Rè là di tích. Hội đồng nhân dân huyện và tỉnh có công văn trả lời, trong một tỉnh có hàng nghìn di tích đề nghị xếp hạng nhưng cần phải ưu tiên thứ tự cái nào quan trọng hơn sẽ được xếp hạng trước”, ông Bùi Đình Tốt, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết thêm.
Trong khi chờ đợi việc xét công nhận di tích từ cấp trên, kinh phí địa phương không có để trùng tu, hàng ngày ngôi chùa có ý nghĩa lịch sử này đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích bất cứ lúc nào.