Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời đã để lại cho Nghệ An hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú về nội dung và đa dạng về loại hình. Ở mỗi di tích, danh thắng của Nghệ An đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích đang có nguy cơ trở thành phế tích nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp tôn tạo, tu bổ kịp thời. Di tích xuống cấp Đền thờ Mai Hắc Đế, trước thuộc làng Hương Lãm, Tổng Nộn Liễu, nay là thị trấn Sa Nam, huyện Nam Đàn từ hàng trăm năm trước đã là ngôi đền uy nghi linh thiêng nổi tiếng. Năm 1996, đền được Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) cấp bằng “Di tích lịch sử văn hoá”. Nơi ngôi đền tọa xưa kia là Tổng hành dinh cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan, khi Ngài xưng Đế lập quốc hiệu Vạn An, vùng đất được chọn làm qquốc đô. Cuộc khởi nghĩa của Vua Mai diễn ra tháng 4 năm Quý Sửu 713, kết thúc vào khoảng năm 723 là một sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, Vua Mai, hai bà vợ, các hoàng tử và các thân tướng, nghĩa sĩ đã lập nên những chiến công hiển hách và hy sinh anh dũng.
Đền thờ Vua Mai được xây dựng đã lâu, qua thăng trầm của lịch sử đã được tôn tạo, thay đổi khá nhiều, lần tôn tạo gần đây nhất vào cuối năm 2004. Ngôi đền có ba tòa: tòa Thượng điện thờ Vua Mai và Quý quyền, tòa Trung điện thờ các vị thần tướng nghĩa liệt của Vua, tòa Hạ điện thờ cộng đồng, nơi chuẩn bị hành lễ. Hiện trong đền còn lưu giữ một số tài liệu, hiện vật quý giá như Long ngai, bài vị, câu đối…
Khu lăng mộ vua Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Lan Xuân-TTXVN |
Gần 10 năm qua, ngôi đền vẫn giữ được dáng vẻ uy nghi và linh thiêng, tuy nhiên riêng tòa Hạ điện đã bị xuống cấp trầm trọng. Các đường khấu đầu, gièo, cột đầu hồi phía đông của tòa Hạ điện đã bị mối mọt ăn hết. Huyện Nam Đàn, Ban quản lý đền Vua Mai đã hai lần tiến hành xử lý mối mọt của tòa Hạ điện, song vẫn không xử lý được dứt điểm, tình trạng mối mọt ăn càng ngày càng nhiều hơn, sâu hơn.
Lễ hội đền Vua Mai được tổ chức trong ba ngày 14, rằm và 16 tháng Giêng hàng năm. Cũng tại nơi này, các ngày lễ giỗ thân mẫu Vua Mai, giỗ Vua Mai, ngày giỗ Mai Hoàng hậu, nhân dân vùng này và khách thập phương về dự lễ rất đông. “Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách thập phương khi đến hành lễ, từ tháng 6/2014 đến nay, huyện Nam Đàn đã phải đình chỉ hoạt động tại tòa Hạ điện, chỉ tập trung hành lễ ở tòa Trung điện và Thượng điện. Trước hiện trạng xuống cấp và mất an toàn của tòa Hạ điện, Công ty TNHH Sơn Hảo đã hỗ trợ các cột tre nứa tạm thời chèo chống, chằng lại các cột ngang, dọc của tòa Hạ điện trong thời gian chờ kinh phí hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo, tu bổ các di tích của tỉnh” - Ông Lê Chư Thưởng, Trưởng Ban quản lý đền cho biết.
Theo thống kê, tỉnh Nghệ An hiện có 1.395 di tích, đã được xếp hạng 316 di tích; trong đó, 134 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 182 di tích cấp tỉnh. Các di tích tập trung nhiều nhất ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn.
Nói về nguyên nhân tình trạng xuống cấp của các di tích trên địa bàn, ông Đặng Minh Năm, Phó trưởng Ban quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An cho rằng, đó là do các di tích đã được xây dựng lâu năm lại trải qua khí hậu, thiên tai khắc nghiệt. Bên cạnh đó còn thiếu sự quan tâm, chăm lo của con người; kinh phí của địa phương cũng như dòng họ không có để tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hoàn chỉnh.
Năm 2014, tỉnh Nghệ An trích ngân sách tỉnh 1 tỷ 750 triệu đồng dành cho công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn có nguy cơ bị sập và xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, với số tiền ít ỏi trên chỉ để tu bổ, chống xuống cấp cho những di tích đang ở tình trạng “báo động” như đền Trung Kiên ở Nghi Lộc, đình Lương Sơn ở Đô Lương, đình Trung ở thành phố Vinh, đền Rậm và nhà cụ Hoàng Viễn ở Hưng Nguyên…
Vì nguồn kinh phí hạn hẹp, phải “chia năm sẻ bảy” nên mỗi di tích cũng chỉ được 200 đến 250 triệu đồng. Điều này cũng có nghĩa, việc tu bổ là chỉ thay thế những chi tiết gỗ hỏng hay ngói bị vỡ, khắc phục tình trạng dột, mối mọt tạm thời ở mỗi di tích. Còn về tu bổ, tôn tạo một cách hoàn chỉnh ở các di tích để mang tính lâu dài là không thể. Do kinh phí nhỏ giọt, nhiều di tích đầu tư chắp vá như đình Trung, đền Rậm, đình Đức Hoàng…vừa thay được ngói thì các cột xà ngang, xà dọc đã hư hỏng, mối mọt.
Ông Nguyễn Đình Hoàn, Phó trưởng Ban quản lý các dự án xây dựng công trình văn hoá thể thao du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng: “Khác với các dự án xây dựng hay giao thông, với các công trình văn hoá sau khi hạ giải thì phải được tiến hành tu bổ, tôn tạo kịp thời, thậm chí là làm xong hoàn chỉnh từng hạng mục. Nếu sau khi hạ giải các di tích mà chưa tiến hành tu bổ ngay (vì bất kỳ lý do nào) cũng sẽ ảnh hưởng đến cấu kiện của di tích đó”. Trên thực tế, qua khảo sát của Ban Quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An hiện có 47 di tích có nguy cơ xuống cấp trầm trọng và ở mức “báo động”. Nhiều di tích sau khi hạ giải, vì chưa có kinh phí để triển khai nên các cấu kiện đã bị hư hỏng khá nhiều.
Cần xã hội hoá công tác bảo tồn, tôn tạo di tích
Bên cạnh các dự án bảo tồn, tôn tạo được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước thì nhiều địa phương cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa công tác phục dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích. Nhờ vậy, nhiều di tích đã được bảo tồn tôn tạo với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng như: Xây dựng nhà Trù tại lăng Vua Mai xã Vân Diên, chùa Đại Tuệ xã Nam Anh, chùa Viên Quang xã Nam Thanh…
Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ các di tích cách mạng và các di tích đình. Trên thực tế, các di tích này không có nguồn xã hội hoá, chủ yếu từ ngân sách địa phương. Thứ nữa, một khó khăn khác trong công tác bảo tồn, tôn tạo, tu bổ các di tích là do Nghị định 70 của chính phủ, Thông tư 18 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch trong công tác tu bổ, tôn tạo khi triển khai ở địa phương còn vướng mắc. Theo quy định, các đơn vị thi công phải có chứng chỉ, được cấp Giấy phép hành nghề do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cấp. Đi kèm với đó là thủ tục rườm rà, nghệ nhân để tu bổ trong khắc, chạm trổ các công trình văn hoá di tích hầu như không có, tỉnh Nghệ An phải đi thuê nghệ nhân ở miền Bắc. Trong khi đó, ngân sách được cấp thì ít, trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục nên kinh phí lại bị đội lên. Thiếu kinh phí là một nhẽ, song có di tích đã được duyệt kinh phí nhưng do vướng thủ tục nên nhiều di tích như đình Hoành Sơn được Cục Di sản đánh giá là một trong những đình có kiến trúc nghệ thuật đẹp nhất miền Trung, hay như đình Lương Sơn, đã mấy năm nay chưa thể triển khai tu bổ.
Để tu bổ, tôn tạo di tích, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt 32 di tích với tổng mức đầu tư trên 2,4 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo trong năm 2015.
“Với nguồn kinh phí trên mới chỉ dành để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp cho các di tích xuống cấp quá trầm trọng. Trong khi chờ cấp kinh phí, đề nghị chính quyền địa phương nơi có các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng quan tâm chăm sóc, tu bổ, kêu gọi xã hội hoá, đóng góp của người dân để phát huy giá trị nhiều mặt, nhất là giá trị giáo dục truyền thống tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ cũng như phát triển ngành du lịch của tỉnh Nghệ An”- Ông Đặng Minh Năm, Phó trưởng Ban quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Nghệ An đề nghị.
Bích Huệ (TTXVN)