Di tích hỏng vì... trùng tu

Ở tỉnh Nam Định, một di tích văn hóa lịch sử quốc gia được khởi công tu bổ, tôn tạo với mức vốn đầu tư nhiều tỷ đồng và công trình khi hoàn thành góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử, văn hóa thời Trần.

Thế nhưng, công trình chưa xong, nhà thầu bỗng dưng dừng thi công không rõ lý do, khiến hàng trăm thậm chí cả nghìn kết cấu gỗ mới và cũ bị "phơi nắng, phơi mưa" gần một năm rưỡi nay, gây bức xúc dư luận địa phương.

Đình Đệ Tứ là một phần của khu di tích Chùa Đệ Tứ thuộc thôn Đệ Tứ (nay là các tổ 1,2 và 3), phường Lộc Hạ, TP. Nam Định. Khu di tích này được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận di tích văn hóa lịch sử quốc gia năm 1989 và đây là điểm di tích nằm trong cụm di tích văn hóa lịch sử thời Trần.

Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Đệ Tứ. Ảnh: baonamdinh.com.vn


Theo đề nghị của UBND tỉnh Nam Định và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015. Theo đó, dự án bảo tồn có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng này có vùng bảo tồn đặc biệt 669 ha với 27 di tích, trong có di tích Đình Đệ Tứ.

Tháng 3/2011, Đình Đệ Tứ được tiến hành khởi công trùng tu, tôn tạo do Doanh nghiệp tư nhân Đầu tư Phát triển Xây dựng Mỹ thuật Gia Linh (công ty Gia Linh-có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình) làm nhà thầu. Gói thầu có trị giá 6,237 tỷ đồng, thời gian thi công 530 ngày. Theo kế hoạch, công trình phải được hoàn thành vào tháng 9 hoặc 10/2012.

Tuy nhiên, thi công được 1 năm thì nhà thầu dừng không rõ lý do. Tính đến tháng 3/2012 (thời điểm dừng thi công), công ty Gia Linh mới chỉ thực hiện được một số hạng mục như hạ giải nhà Tiền Tế; lắp dựng nhà bao che; xây xong phần thô nhà Từ Đình, phần mộc gia công được 90%; xây trát xong phần tường bao che nhà Hậu Cung, phần mộc gia công được 90%; xây trát xong phần tường bao che nhà Tiền Tế, phần mộc được nhà thầu thi công nối ghép, xử lý các cấu kiện đã hạ giải (tức sử dụng lại cấu kiện cũ).

Từ đó tới nay gần 1 năm rưỡi, nhà thầu không trở lại làm tiếp. Được biết, giá trị khối lượng đã thi công là 2,996 tỷ đồng, trong khi nhà thầu đã tạm ứng hơn 3,1 tỷ đồng. Công việc thi công không được tiếp tục khiến nhiều kết cấu mới (chủ yếu là gỗ lim) và không ít kết cấu cũ còn sử dụng được phải phơi mưa, phơi nắng trong nhiều tháng.

Mục sở thị tại "công trường" có thể thấy, nhiều đống cấu kiện gỗ để la liệt bên trong và ngoài khu đình. Chúng chỉ được che đơn giản bằng những tấm bạt dứa. Nhưng qua nhiều ngày nắng, mưa và gió, cái thì đã rách, cái bay mất đâu đó.

Ông Trần Đình Thi (60 tuổi, trú tại tổ 3 phường Lộc Hạ ), người trông coi Đình Đệ Tứ, chua xót: Nếu công trình không được hoàn thiện sớm thì các kết cấu gỗ mới và nhiều kết cấu đã hạ giải sẽ hỏng hết vì nắng, mưa. Tôi quan sát kỹ thấy đã xuất hiện mối xông ở một số vị trí.

Ông Thi cho biết thêm: Bức xúc trước "tiến độ thi công rùa" của Công ty Gia Linh, người dân Đệ Tứ đã gửi đơn kiến nghị tới các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc để cứu di tích, song đến nay Công ty Gia Linh vẫn không quay lại. Bản thân tôi nhiều lần gọi điện liên lạc với ông Đỗ Đình Thân, Giám đốc Công ty Gia Linh nhưng ông ấy không bắt máy.

Ông Thi cho biết, Đình Đệ Tứ - một phần trong cấu trúc thống nhất của Di tích Chùa Đệ Tứ - là nơi ngự thờ Đức Linh Lang Đại Vương; Chiều Thành Vương Trần Nhật Duật và cũng là nơi thờ Đức thành hoàng làng Đệ Tứ Trần Minh Công. Hàng năm vào các ngày từ 10-20 tháng Tám âm lịch, nhân dân trong vùng long trọng tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, công trình chậm tiến độ khiến người dân Đệ Tứ không thể tổ chức lễ hội.

Theo Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định, những khối lượng công việc còn lại Công ty Gia Linh cần phải thực hiện là ngâm tẩm kết cấu gỗ; lắp dựng và hoàn thiện nhà Từ Đình, nhà Tiền Tế và Hậu Cung; xây dựng cổng, tường rào, sân, đường nội bộ, nhà vệ sinh, nhà hóa vàng.

Được biết, Công ty Gia Linh cũng là nhà thầu một gói thầu khác thuộc dự án văn hóa Trần là Đình và Phủ Phương Bông. Công trình có vốn đầu tư hơn 7,4 tỷ này được thi công trong 670 ngày từ ngày 20/10/2009. Nhưng tới nay công trình mới chỉ được thực hiện khoảng 30% khối lượng, trong khi vốn đã ứng cho nhà thầu là 3,7 tỷ đồng.

Trước "tiến độ rùa" của không chỉ gói thầu Đình Đệ Tứ; Đình và Phủ Phương Bông mà còn nhiều gói thầu khác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long sau khi kiểm tra thực tế đã ra "tối hậu thư" cho Công ty Gia Linh. Theo đó, công ty này phải thi công xong và bàn giao công trình trong tháng 12/2013, còn nếu không làm được thì thanh lý hợp đồng kể cả với 2 gói thầu.

Ông Long cũng cho rằng tiến độ thi công các hạng mục thuộc dự án văn hóa Trần là quá chậm, đồng thời đề nghị các bên liên quan cần đầy nhanh tiến độ, đặc biệt đối với đường N5 và C8 (hiện vẫn chưa thể triển khai vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng).


Nguyễn Trường

Thẻ “hành nghề” - điều kiện cần để trùng tu di tích
Thẻ “hành nghề” - điều kiện cần để trùng tu di tích

Cục Di sản văn hóa đang tiến hành các thủ tục cần thiết để cấp những chứng chỉ hành nghề đầu tiên cho các cá nhân tham gia trùng tu, tôn tạo di tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN