Thông tin trên được ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT & DL) cho biết ngày 19/7/2013, tại Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm.
Cấp sổ đỏ trong di tích quốc gia
Theo ông Hùng, ngay sau khi nhận được thông tin trên báo chí phản ánh về việc thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) bị xâm hại nghiêm trọng, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH, TT & DL) đã tổ chức đoàn công tác tiến hành kiểm tra và xác định, địa phương (xã Thanh Khương và UBND huyện Thuận Thành - PV) đã cấp sổ đỏ cho 7 hộ dân sinh sống trong phạm vi di tích thành cổ Luy Lâu.
Cục Di sản văn hóa sẽ có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, làm rõ xem sai phạm này thuộc trách nhiệm của ai. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép triển khai quy hoạch, tiến tới tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Luy Lâu, cũng như có kế hoạch di dời đối với các hộ dân đang sinh sống trong khu vực di tích.
Di tích Luy Lâu đang bị xâm hại nghiêm trọng. |
Như báo Tin tức (TTXVN) đã phản ánh (trong các số báo ra trong các ngày từ 4 - 6/7/2013), thành cổ Luy Lâu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là một di tích lịch sử có giá trị, từng là trung tâm kinh tế, văn hóa của người Việt cách đây khoảng 2.000 năm. Nơi đây lưu giữ một khối lượng di vật, cổ vật và tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng, và được công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1964, nhưng do chưa coi trọng công tác quản lý, nên di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Không chỉ các công trình kiến trúc bị hư hại, tường thành bị bào mòn; đợt khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng khu di tích thành cổ Luy Lâu mới đây của Sở VH, TT & DL Bắc Ninh còn cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 1999 đến nay, riêng diện tích khu vực bảo vệ của thành cổ đã bị mất tới 26.518 m2. Cổng dẫn vào khu di tích hiện là nơi họp chợ, rác thải tràn lan gây mất mỹ quan. Trong thành, người dân canh tác, trồng lúa, trồng rau, xây hàng trăm mộ táng được xây cất, ốp gạch khang trang và có một hộ gia đình đã xây dựng nhà ở kiên cố...
Vẫn nóng chuyện di tích
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ VH, TT & DL, Cục trưởng Cục di sản Nguyễn Thế Hùng, cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, đã nổi cộm lên một số vấn đề về bảo tồn di sản văn hóa. Đó là trường hợp của làng cổ Đường Lâm, chùa Diên Hựu - Một Cột, đàn Xã Tắc (Hà Nội); gần đây nhất có vụ xâm hại của thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) và vụ người dân phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) muốn trả lại danh hiệu di sản.
Ông Hùng cho biết: Đối với trường hợp làng cổ Đường Lâm và chùa Diên Hựu - Một Cột, lãnh đạo TP Hà Nội đã trực tiếp chủ trì, xử lý những vấn đề khúc mắc. Cục Di sản Văn hóa đã đề xuất những giải pháp để lãnh đạo TP Hà Nội và các địa phương đưa ra phương án và trực tiếp xử lý. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang xúc tiến việc phê duyệt quy hoạch làng cổ Đường Lâm, thực hiện các dự án bảo tồn di tích, dự án giãn dân để tạo điều kiện cho nhân dân có điều kiện sống tốt hơn trong di tích.
Về khu phố cổ Đồng Văn (Hà Giang), theo ông Hùng đây không phải là việc mới xảy ra. Từ tháng 1/2013, lãnh đạo Bộ VH, TT & DL đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đề nghị Hà Giang triển khai dự án tu bổ di tích phố cổ Đồng Văn. Đến tháng 7/2013, UBND tỉnh Hà Giang đã gửi Bộ VH, TT & DL Dự án tu bổ khu phố cổ Đồng Văn, Cục Di sản văn hóa đã thẩm định về mặt chuyên môn, Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VH, TT & DL) đang xem xét thẩm định, trong khoảng 1 - 2 ngày tới sẽ trình lãnh đạo Bộ VH, TT & DL về thỏa thuận Dự án tu bổ phố cổ Đồng Văn.
Theo đó, đề nghị tỉnh Hà Giang lựa chọn những hạng mục đang xuống cấp nặng nhất, đặc biệt là các ngôi nhà có người dân đang sinh sống để ưu tiên tu bổ trước. Bộ VH, TT & DL sẽ xem xét, hỗ trợ về mặt kinh phí (trung bình mỗi năm khoảng 3 - 4 tỷ đồng) để tỉnh Hà Giang có thể triển khai việc tu bổ phố cổ Đông Văn. Theo ông Hùng, đây không phải là việc mới xảy ra và mới đặt ra gần đây. Việc triển khai kế hoạch tu bổ phố cổ Đồng Văn đã được tỉnh Hà Giang chuẩn bị từ cách đây 2 năm và đang đi vào những giai đoạn cuối cùng.
Trả lời về việc, một số hộ dân tại các di tích có kinh phí nhưng không được tu sửa, ông Hùng khẳng định: “Đến nay, Cục Di sản chưa nhận được bất cứ đề nghị nào từ người dân về việc tự tu sửa. Còn nếu có việc đó thì hoàn toàn có thể ủng hộ, khuyến khích, bởi sau khi UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án tu bổ, những ngôi nhà có trong khu phố cổ đã có hồ sơ thiết kế rồi, nếu người dân sở tại có điều kiện kinh phí để tự bảo tồn, sửa chữa theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, chắc chắn việc làm đó sẽ được ủng hộ. “Nếu nhận được đề nghị như thế, chúng tôi sẽ có ý kiến và đề nghị địa phương căn cứ vào Dự án đã phê duyệt để tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện” - ông Hùng khẳng định.
Vấn đề di tích cũng là một trong những chủ đề nóng tại cuộc họp về công tác văn hóa, du lịch, thể thao 6 tháng đầu năm của Sở VH, TT & DL Hà Nội. Theo lãnh đạo sở VH, TT & DL Hà Nội, đối với di tích làng cổ Đường Lâm, với tư cách là ngành tham mưu, Sở VH, TT & DL Hà Nội đã phối hợp với Sở Quy hoạch kiến trúc lập quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Đường Lâm trình UBND thành phố Hà Nội, đề xuất xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VH, TT & DL. Về quy hoạch giãn dân, Sở VH, TT & DL Hà Nội và Sở Quy hoạch kiến trúc đã giới thiệu địa điểm giãn dân hơn 10 ha, nhưng do tình hình thực tế, người dân chưa đồng thuận cao vì vị trí chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện sinh hoạt, vẫn muốn liên hệ thường xuyên với nơi ở cũ. Sở đã có ý kiến với Sở Quy hoạch kiến trúc về địa điểm giãn dân. Đối với di tích chùa Diên Hựu - Một Cột, căn cứ kết luận của thành phố, Sở đã phối hợp với quận Ba Đình triển khai dự án chống dột sau khi nhà chùa kiến nghị. Dự án tu bổ di tích cũng đã trình và Bộ VH, TT & DL đã có văn bản thỏa thuận về việc tu bổ này. Đối với trường hợp chùa Trăm Gian, sau sự cố, Sở VH, TT & DL đã được chỉ đạo quyết liệt, triển khai đúng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Toàn bộ gác khánh về cơ bản đã xong, nhà tổ tiếp tục tu sửa sau khi mời hội đồng đánh giá, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. |