Thành cổ Luy Lâu bị xâm hại nghiêm trọng - Bài 2: Di tích biến thành chợ...
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu của thành Luy Lâu, Bộ Văn hóa đã có Quyết định số 29/VH-QĐ ngày 13/4/1964, xếp hạng di tích thành Luy Lâu là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, do chưa coi trọng công tác quản lý, nên di tích quan trọng này đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Người dân họp chợ chắn cả lối vào khu di tích. |
Có mặt tại khu thành cổ Luy Lâu, chúng tôi tận mắt chứng kiến ngay lối vào thành cổ, người dân họp chợ, bán hàng, vừa chắn mất lối đi vào thành, vừa nhếch nhác, trông rất mất mỹ quan. Qua tìm hiểu được biết, lâu nay lối vào thành cổ bị án ngữ bởi chợ Dâu, họp theo phiên vào các ngày 2, 5, 7, 10 âm lịch hàng tháng. Do họp chợ ngay lối vào di tích, nên rác thải ngập tràn gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quang cảnh khu vực di tích.
Đi vào khu vực nội thành, ngoài chùa Phi Tướng và Đền thờ Sỹ Nhiếp nằm trong hệ thống di tích, thì tòa thành cổ hiện nay chỉ còn bãi đất trống, dấu tích tường thành chỉ còn là bờ đất đã trồng cây. Những di tích mộ táng, khu cư trú, hào sâu, thành đất cao đều đã và đang bị xâm hại. Bên trong thành, người dân canh tác trồng lúa, trồng rau, đường đi ra bờ thành chất đầy rơm rạ của những ruộng lúa vừa gặt. Bên trong nội thành còn có rất nhiều những ngôi mộ cải táng mới xây… Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành, cho biết: “Chợ đã có từ lâu, rất khó di dời đi chỗ khác. Còn về những ngôi mộ xây trong thành, ông Bắc cho biết, những ngôi mộ có trong thành đã được xây từ lâu. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì những ngôi mộ đó có lẽ mới chỉ xây cách đây vài năm.
Tại UBND xã Thanh Khương, đơn vị quản lý trực tiếp di tích, ông Nguyễn Nam, Chủ tịch UBND xã Thanh Khương, cho biết: Khu di tích hiện còn 7,1 ha, được xã phân ranh giới quản lý và giữ nguyên. Xã đã cố giữ và bảo vệ diện tích đất trong khu vực không bị xâm lấn. Cũng theo ông Nam, hiện trạng trên bề mặt thành cổ Luy Lâu chỉ có công trình đền thờ Sỹ Nhiếp. Còn lại, tất cả được phủ lên đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm. Ông Nam cho rằng, việc cho dân làm nông nghiệp, trồng cây lâu năm sẽ phần nào chống xói mòn thành lũy, cũng là để tạo sinh kế cho người dân góp phần chống hiện tượng xâm lấn (?!).
Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Sở VH, TT & DL Bắc Ninh, cho biết: Ngày 20/5/2013, Sở đã có công văn số 416/SVHTTDL-DSVH về việc khảo sát thực địa khu di tích thành cổ Luy Lâu, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Ban quản lý di tích (thuộc Sở VH, TT & DL Bắc Ninh) đã tiến hành đợt khảo sát thực địa và ngày 29/5/2013 đã có công văn số 54/BQLDT báo cáo hiện trạng di tích thành cổ Luy Lâu. Theo báo cáo, tình trạng xâm hại di tích đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng người dân họp chợ tràn lan quanh khu vực cổng thành rất mất mỹ quan, nhiều người dân đã an táng mộ trong khu vực đất đã khoanh vùng bảo vệ di tích.
Báo cáo nêu rõ: Thành Luy Lâu được Nhà nước xếp hạng từ năm 1964, trước đó đã có bản đồ khoanh vùng bảo vệ nhưng chưa rõ ràng, cả khu vực thành chỉ có 4 cọc mốc giới nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Năm 1999, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (khi đó là cơ quan quản lý di tích) đã phối hợp với phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành, UBND xã Thanh Khương lập biên bản và bản đồ khoanh vùng đất đai bảo vệ diện tích thành Luy Lâu. Theo đó, khu vực bảo vệ được tô màu đỏ gồm từ thửa số 1 đến thửa 128, diện tích 103.518 m2, thuộc tờ số 06, bản đồ địa chính xã Thanh Khương, đo đạc năm 1996. Khu vực điều chỉnh xây dựng được tô màu xanh gồm các thửa đất từ 129 đến 150 thuộc tờ số 06, bản đồ địa chính xã Thanh Khương, đo đạc năm 1996 và cả thôn Lũng Khê, thôn Thanh Tương sông Dâu (tuy nhiên không rõ diện tích là bao nhiêu).
Trải qua thời gian, từ đó đến nay các khu vực khoanh vùng thuộc di tích đã có sự biến đổi. Cụ thể qua khảo sát và xem xét thực trạng, diện tích khu vực bảo vệ (tô màu đỏ) hiện nay được UBND xã Thanh Khương xác định chỉ còn lại khoảng 77.000 m2 (ít hơn so với khu vực khoanh vùng năm 1999 là 26.518 m2). Các thửa đất trong khu vực thành đã được UBND xã Thanh Khương giao ổn định (như đất nông nghiệp) cho các hộ dân thuộc thôn Lũng Khê canh tác (diện tích này khoảng 40.000 m2). Đặc biệt, trong khu vực phía sau đền Sỹ Nhiếp có 18 ngôi mộ, khu vực phía tây thành có khoảng trên dưới 100 ngôi mộ an táng và được xây cất, ốp gạch rất khang trang. Một số diện tích ao, hồ trong khu vực thành được giao đấu thầu ngắn hạn cho người dân trồng trọt, chăn nuôi. Khu đất phía đông thành (trước đây thuộc khu vưc khoanh vùng bảo vệ) hiện có rất nhiều mộ táng và một hộ gia đình đã xây dựng nhà kiên cố.
Về hiện trạng công trình kiến trúc, do trải qua hàng ngàn năm, hiện thành Luy Lâu đã bị hư hại, không còn nguyên vẹn và gần như thành phế tích: Tường thành bị san bạt, hào thành bị lấp do việc cư trú và canh tác, sản xuất của nhân dân các làng trong và ngoài thành. Các công trình tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu…) trong khu vực thành hiện chỉ còn chùa Phi Tướng (thờ bà Tướng - một trong hệ thống Tứ Pháp) và đền thờ Sỹ Nhiếp; còn lại hầu hết đã bị hủy hoại, trở thành hoang phế; di tích chùa Phi Tướng vẫn chưa được xếp hạng và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Về cảnh quan xưa như đường giao thông thủy, bộ, làng mạc, phố chợ, bến bãi… đã có những thay đổi, biến dạng, hoặc bị xóa mất; nhiều cổ vật, tài liệu, di tích bị vùi lấp, đồng thời bị xâm hại do quá trình cư trú, canh tác, xây dựng của cư dân trong vùng; đường vào khu thành nhỏ hẹp, lầy lội, thường xuyên có cảnh họp chợ mua bán ngay trước cổng thành gây phản cảm và cản trở du khách vào thăm quan di tích.
Bài và ảnh: Phương Hà
Bài cuối: Giữ lấy thành cổ Luy Lâu