Tham dự có Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng; Thượng tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội; đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đánh giá cao hiệu quả tuyên truyền về bình đẳng giới trong Quân đội, khẳng định những đóng góp tích cực của báo chí và các phương tiện truyền thông, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho rằng, các chương trình mít tinh, giao lưu, tọa đàm, tập huấn tuyên truyền… do Ban Phụ nữ Quân đội và các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng tổ chức đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng về bình đẳng giới; đề cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội, tạo ra những tín hiệu thay đổi tích cực và nhận được sự chia sẻ của cộng đồng.
Khái quát những điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới trong Quân đội thời gian qua, Thượng tá Phùng Thị Phú cho biết, công tác tuyên truyền đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trên cơ sở thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Thượng tá Phùng Thị Phú khẳng định, lãnh đạo Bộ Quốc phòng luôn coi trọng và yêu cầu sự vào cuộc của cơ quan tuyên huấn các cấp, các cơ quan báo chí truyền thông về vấn đề này.
Công tác tuyên truyền đã có sự đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thực hiện như tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng hoặc qua các tài liệu; phối hợp với các cơ quan báo chí đưa tin kịp thời về đường lối, chính sách của Quân đội liên quan đến công tác phụ nữ; tổ chức các chương trình tuyên dương, lan tỏa những mô hình, điển hình tiên tiến trong phụ nữ Quân đội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tình hình mới. Với những nỗ lực đó, việc thực hiện bình đẳng giới trong Quân đội bước đầu đã ghi nhận những hiệu ứng tốt, nhiều chỉ tiêu có sự thay đổi tích cực, số vụ vi phạm bạo lực ít hơn rất nhiều trong dân sự.
Tuy nhiên, Thượng tá Phùng Thị Phú cũng mong muốn công tác tuyên truyền bình đẳng giới thời gian tới sẽ có sự vào cuộc, tham gia tích cực hơn của các lực lượng, thành phần trong và ngoài Quân đội. Việc thực hiện tuyên truyền bình đẳng giới trong Quân đội cũng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa xây dựng được các chuyên trang, chuyên mục riêng về chủ đề này; yếu tố sáng tạo trong hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao tính hấp dẫn, lôi cuốn, tạo hiệu ứng, hiệu quả còn hạn chế…
Trao đổi tại tọa đàm, đại diện bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chia sẻ những biện pháp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trên Báo Biên phòng và các phương tiện truyền thông của đơn vị. Theo đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với một số cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương, tạo sự gắn kết, tổ chức cho phóng viên đi thực tế ở các địa bàn biên giới.
Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em là vấn đề rất cần được quan tâm, đặc biệt là ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, các chương trình như: Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em đến trường của Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ hơn 3.000 học sinh, trong đó có hàng trăm trẻ em Lào và Campuchia khu vực sát biên giới, vượt qua khó khăn, tiếp tục có cơ hội học tập; nâng cao nhận thức bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em ở các tuyến biên giới, hỗ trợ phụ nữ biên giới trong công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế gia đình..., vì mục tiêu cả nam giới và nữ giới trên khắp các vùng, miền sẽ được sống, được học tập, công tác, lao động và cống hiến trong một môi trường bình đẳng, tiến bộ.