Tham dự tọa đàm có Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm; đại diện lãnh đạo các ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và gần 100 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Tại tọa đàm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ các nội dung về bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động 2012. Đồng thời, các đại biểu và người lao động cùng trao đổi, chia sẻ xoay quanh ba nội dung gồm: Bình đẳng trong trả công; bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm gia đình; phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong cùng một công việc, việc trả công cho lao động nam và lao động nữ phải công bằng và theo năng lực thực tế, vì không phải cứ lao động nữ là năng suất lao động kém hơn lao động nam.
Về bình đẳng trong cơ hội việc làm và chia sẻ trách nhiệm gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đa số phụ nữ đang gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và sự phấn đấu tại nơi làm việc. Vì thế, việc chia sẻ trách nhiệm gia đình phải bình đẳng ở cả nam và nữ. Trong đó, nhiều lao động bày tỏ sự đồng tình với đề xuất cho phép người lao động nam và nữ nghỉ phép, hưởng bảo hiểm xã hội khi cần chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau.
Về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, các ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, từ đó ngăn chặn kịp thời để không ảnh hưởng tới tâm lý và kết quả lao động; xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện. Đặc biệt, cần có quy định riêng trong xử lý hành vi quấy rối qua mạng xã hội.
Chia sẻ băn khoăn về quy định tuổi nghỉ hưu, các lao động đều mong muốn dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi nghiên cứu, đưa ra những quy định phù hợp với từng nhóm đối tượng theo công việc đặc thù.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Lực lượng lao động nữ có vai trò lớn trong các doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tọa đàm là cơ hội để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đại biểu quốc hội đánh giá tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới trong các doanh nghiệp. Đồng thời, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất của người lao động trong việc thực thi bình đẳng giới để làm căn cứ nghiên cứu, đề xuất trong tiến trình sửa đổi Bộ Luật Lao động tới đây.