Bất bình đẳng giới: Sức ì nhận thức và quan niệm xã hội

Tại sao Luật Bình đẳng giới đề ra mục tiêu tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa hai giới? Lý do là có nhiều rào cản “lách luật” mà chủ yếu xuất phát từ sức ì nhận thức và quan niệm xã hội...

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam khoá XII thông qua vào ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 năm 2007. Luật quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Mục tiêu là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Từ năm 2007 đến nay nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Chỉ tiêu nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng.

Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu, được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị, là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới ở mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Lao động nữ chiếm số đông trong những ngành nghề có vị thế thấp, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, có thu nhập thấp, điều kiện lao động nghèo nàn, thời gian lao động kéo dài và việc làm bấp bênh, độ rủi ro cao.

Tại sao Luật Bình đẳng giới đề ra mục tiêu tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực nhưng trên thực tế vẫn tồn tại sự bất bình đẳng giữa hai giới? Lý do là có nhiều rào cản “lách luật” mà chủ yếu xuất phát từ sức ì nhận thức và quan niệm xã hội- những thứ thường chuyển động chậm hơn so với các tiến bộ khoa học – công nghệ và văn bản pháp luật.

Xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng phong kiến và Nho giáo. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Hiện nay quan niệm này  không còn nặng nề nhưng ở một số giai tầng và địa phương sức ì vẫn còn khá mạnh. 

Một biểu hiện của tư tưởng này là sự bất bình đẳng về giáo dục. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và trung học sơ sở thấp hơn học sinh nam, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Sau mỗi kỳ nghỉ Hè, đặc biệt là sau mỗi cấp học thì các em nam có nhiều cơ hội quay trở lại học tiếp hơn so với các em nữ. Tỷ lệ trẻ em gái ở các tỉnh miền núi đi học còn thấp, chủ yếu là các em phải ở nhà giúp gia đình, do trường nội trú ở quá xa nhà và ở một số nơi vẫn còn hủ tục tảo hôn.

Biểu hiện thứ hai là việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ lệ tử vong sản phụ còn cao so với một số nước trong khu vực. Mức giảm tỷ lệ tử vong sản phụ trong nhiều năm qua còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nữ có bảo hiểm y tế (tính trong số người khám chữa bệnh) tăng lên qua các năm, tuy nhiên còn thấp hơn nam giới.

Thứ ba là tình trạng phân biệt đối xử giữa bé trai và bé gái. Theo số liệu của Bộ Y tế, nếu như năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh tại nước ta là 112,8 bé trai  trên 100 bé gái thì đếm năm 2016, tỷ lệ này đã tới 113,4/100 . Các chuyên gia lo ngại, nếu tỷ số giới tính tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về mất cân bằng giới của Việt Nam trong 20-25 năm sau là hết sức nghiêm trọng.

Biểu hiện thứ tư là bất bình đẳng giới trong các hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản. Vai trò của nam giới tham gia KHHGĐ còn hạn chế, phụ nữ được coi là người phải chịu trách nhiệm thực hiện KHHGĐ. Dĩ nhiên, việc mang thai và sinh đẻ là thiên chức của người phụ nữ. Song trên thực tế, mang thai khi nào và sinh bao nhiêu con lại thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định, có hay không sử dụng biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách sinh hoặc không sinh con cũng thường do người chồng, gia đình chồng quyết định.

Biểu hiện thứ năm là bất bình đẳng giới trên thị trường lao động và trong thu nhập. Khi tiếp nhận một lao động nữ trẻ thì các chủ doanh nghiệp thường e ngại về thời gian 6 tháng nghỉ thai sản. Nhiều doanh nghiệp buộc lao động nữ ký thêm một phụ lục trong hợp đồng lao động là không được mang thai trong thời gian 2 năm đầu làm việc. Từ đó dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thích tuyển lao động nam dù khả năng làm việc của họ thua kém nữ giới. Còn về thu nhập, theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) năm 2017, mức lương bình quân hằng tháng của lao động nữ khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam (5,19 triệu đồng). Điều này không hẳn là do chủ doanh nghiệp cố ý trả lương cho lao động nữ thấp hơn nam giới khi làm cùng một công việc. Lý do chính là vì phụ nữ phải chăm sóc con, đảm đang việc gia đình nên ngày công không cao bằng nam giới.

Biểu hiện thứ sáu là bất bình đẳng giới về vị thế xã hội, sở hữu tài sản. Nam giới chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản giá trị cao. Hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mang tên chủ hộ là nam giới. Tình trạng này có thể khiến phụ nữ bị mất quyền sở hữu trong trường hợp ly hôn hay hưởng thừa kế. Nam giới thường ra quyết định về đầu tư kinh doanh của hộ gia đình và việc sử dụng thu nhập. Hạn chế trong sở hữu tài sản làm giảm khả năng tiếp cận của phụ nữ tới các cơ hội tín dụng và đầu tư…

Rút ngắn khoảng cách phân biệt nam nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội được quy định tại Luật Bình đẳng giới. Đó cũng là mục tiêu của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Những hoạt động thiết thực trong tháng vừa qua đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của toàn dân đối với vấn đề  bình đẳng giới.

 

Trần Quag Vinh (TTXVN)
Tăng cường nhận thức của truyền thông vì bình đẳng giới trong ASEAN
Tăng cường nhận thức của truyền thông vì bình đẳng giới trong ASEAN

Ngày 21/10  tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm về giới và nhận thức của giới truyền thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN