Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay, gia đình ông Lê Văn Kỳ, phường An Hòa, thành phố Huế đưa vào gieo cấy 1 ha lúa. Mưa lớn những ngày qua đã khiến hơn một nửa diện tích của gia đình ông ngập chìm trong nước. Ông Lê Văn Kỳ than thở, hiện nay lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, lại bị ngập đến tận ngọn ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và nguy cơ bị cá rô và ốc bươu vàng ăn lá. Nếu không đấu úng kịp thời khả năng sẽ bị thiệt hại khoảng 40-60% sản lượng.
Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế hiện có 110/350 ha lúa Đông Xuân ngập úng; trong đó, có gần 50 ha ngập sâu từ 0,5 - 1m. Nhiều cánh đồng bị ngập bị sâu không thấy ngọn. Ban Giam đốc hợp tác xã đã huy động tối đa công suất các trạm bơm tiến hành tiêu úng trên các đồng ruộng. Ông Đặng Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Vinh cho biết, khó khăn hiện nay của hợp tác xã là mực nước ngoài hệ thống kênh mương tiêu còn quá cao, các trạm bơm hoạt động trong tình trạng quá tải, hợp tác xã chưa thể huy thêm các máy bơm dầu để tiêu úng nội đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, việc tiêu úng cứu lúa phải mất từ 5 - 7 ngày. Vụ Đông Xuân năm nay nông dân gặp quá nhiều khó khăn khi chưa đầy 20 ngày mà lúa đã bị ngập úng đến 2 lần.
Vụ sản xuất Đông Xuân 2022 - 2023, huyện Quảng Điền đưa vào gieo cấy hơn 4.100 ha lúa. Mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến hơn 2.400 ha lúa bị ngập úng. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền Phan Nam cho biết, hiện nay các địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh để cứu lúa vùng bị ngập. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng lập kế hoạch cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp chăm sóc, bón thúc sau tiêu úng để đảm bảo cây lúa phát triển tốt; đôn đốc bà con theo dõi đồng ruộng để kịp thời xử lý sâu bệnh, sinh vật gây hại; đồng thời lập phương án chuẩn bị các giống lúa ngắn ngày cho những vùng bị ngập úng lâu ngày phải gieo cấy lại.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 14 - 16/2 trên địa bàn tình Thừa Thiên - Huế có mưa lớn, gây ngập úng hơn 4.500 ha lúa, với mức ngập từ 0,2 - 0,5 m, nơi sâu nhất lên đến gần 1m. Diện tích lúa ngập úng tập trung chủ yếu ở các xã vùng thấp trũng thuộc các huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng cứu lúa, bảo vệ ruộng đồng.
Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để tập trung cho công tác cứu lúa; Trong đó, yêu cầu các hồ chứa thủy lợi đang tạm dừng xã nước về hạ du để giảm ngập úng; mở toàn bộ các cống ven đê, ven phá để tiêu triều giảm mực nước trên các sông; huy động 100% các trạm bơm điện vận hành tiêu úng 24/24 giờ để cứu lúa. Dự kiến khoảng 5-7 ngày sẽ hoàn thành tiêu úng.
Trước những biến đổi dị thường của thời tiết, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng bà con nông dân Thừa Thiên - Huế phải đối phó với hai đợt mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân ảnh hưởng và thiệt hại. Trước đó, đợt mưa lớn cuối tháng 1/2023 cũng khiến hơn 3.500 ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng. Nhiều địa phương vùng thấp trũng buộc phải gieo sạ lại hàng trăm ha lúa. Khó khăn hiện nay là triều cường đang lớn, nước từ lưu vực sông từ thượng nguồn đổ về mạnh. Dự báo đợt mưa này còn diễn biến phức tạp và khả năng còn kéo dài đến hết ngày 17/02/2023. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục chủ động các phương án để ứng phó và xử lý kịp thời khi tình huống mưa lớn xảy ra nhằm hạn chế tấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.