Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã trình diễn và giới thiệu 27 giống lúa đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trung tâm giống, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đại lý chuyên sản xuất kinh doanh giống, nông dân đến từ các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung,...
Bộ giống lúa khảo nghiệm của Viện Lúa giảm về số lượng so với năm trước nhưng đa dạng chủng loại về thời gian sinh trưởng, tính chống chịu, phân khúc thị trường gạo,... Các giống lúa có năng suất cao và phẩm chất gạo ngon, tiềm năng phát triển tốt gồm: OM16, OM46, OM3, OM48, OM8,...
Các giống lúa năm nay được Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu chi tiết hơn về đặc tính các giống lúa, tạo điều kiện tối đa cho khách tham quan đến xem tại ruộng, đối chứng lại với các đặc tính giống. Việc sử dụng giống như thế nào để người nông dân, đơn vị quản lý, các doanh nghiệp chủ động thông tin, phối hợp đưa các giống lúa này vào sản xuất thuận lợi, hiệu quả.
Ngoài những giống lúa tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, các điều kiện bất lợi (hạn mặn,...), thời gian gần đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long có những định hướng thay đổi về nghiên cứu giống lúa mới tập trung vào chất lượng giống lúa, các giống lúa đáp ứng chất lượng gạo theo nhu cầu thị trường, Viện Lúa chia giống lúa theo các nhóm: chất lượng cao cấp, chất lượng cao, giống cao sản (chuyên về năng suất), giống đặc sản (nếp, giàu chất dinh dưỡng),...
Mặc dù, ở tỉnh Ninh Thuận nhưng ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết mỗi năm đều tổ chức đoàn đến Viện Lúa để tìm kiếm giống lúa phù hợp với khí hậu, thời tiết khắc nghiệt miền Trung. Đồng thời, học tập phương pháp gieo sạ giảm chi phí, giảm lượng lúa giống mà vẫn cho năng suất cao, chất lượng để áp dụng cho vụ lúa ở địa phương. Tham quan trình diễn các giống lúa tại Viện Lúa, ông Phước ấn tượng với một số giống lúa như: OM34, OM16, OM8,...
Với thời gian sinh trưởng từ 88 - 93 ngày, mỗi bông khoảng 90 - 100 hạt chắc, tiềm năng năng suất từ 6 - 9 tấn/ha; tỷ lệ gạo nguyên từ 60 - 62%, ít bạc bụng, cơm trắng, mềm. Đặc biệt, canh tác 3 vụ, thích nghi với vùng sinh thái ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, OM34 là giống lúa được bình chọn nhiều nhất. Giống lúa OM8 được bình chọn nhiều nhất về chất lượng gạo.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chương trình giống lúa quốc gia đã tiến hành trong hơn 3 thập niên và có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây, những giống lúa dùng để chế biến chiếm 50 - 60%, trong thời gian dài đã thay đổi cơ cấu giống lúa này vừa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước vừa đáp ứng xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Chuyển đổi cơ cấu giống lúa là một trong những yếu tố quan trọng, trọng điểm để làm thay đổi sản xuất lúa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong chiến lược giống quốc gia thì Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long là một đơn vị trọng điểm về nghiên cứu, chọn tạo chuyển giao các giống lúa trong sản xuất. Chất lượng của các giống lúa ngày càng tốt hơn, sự chuyển giao mạnh mẽ hơn và đóng góp cho sản xuất cho Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân có thể thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Lúa.
Trước đây, giống lúa OM chiếm 80 - 90% trong cơ cấu giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn có nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống lúa. Điều này cho thấy, việc nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao giống lúa ngày càng được chú ý và đóng góp nhiều hơn cho năng suất lúa của Việt Nam.
Nhằm phát huy hiệu quả những kết quả giống lúa mà Viện Lúa nghiên cứu lai tạo, khảo nghiệm đồng thời để việc sản xuất lúa đem lại hiệu quả, ông Lê Thanh Tùng đề nghị các cá nhân, tổ chức lựa chọn, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, pháp lý khi sử dụng các giống lúa; hạn chế tối đa việc sử dụng giống không hợp tác ký kết và không có bản quyền.
Qua hơn 40 năm thành lập và phát triển, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã lai tạo và phóng thích trên 180 giống lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng miền khác trong cả nước. Các giống lúa mang thương hiệu OM của Viện Lúa được gieo trồng phổ biến nhất với diện tích lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và được mở rộng ra các địa phương khác, góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa trên cả nước.
Để tạo ra những giống lúa mới có những ưu điểm vượt trội hơn và thích nghi được các điều kiện bất lợi của thời tiết như khô hạn, phèn, mặn, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, quá trình chọn giống phải qua nhiều giai đoạn như: lai tạo chọn dòng thuần, so sánh sơ khởi, đánh giá hậu kỳ và khảo nghiệm tính thích nghi các vùng sinh thái để chọn ra các giống lúa có năng suất cao, phẩm chất tốt đưa vào bộ giống lúa triển vọng.