Diện tích có nước tính đến hết ngày 9/1 là 121.942 ha/498.709 ha, đạt 24,5% diện tích gieo cấy theo kế hoạch.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích có nước cơ bản đạt theo kế hoạch. Sau đợt 1, các địa phương sẽ tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước trữ trong hệ thống kênh mương, sông suối nội địa, bơm dã chiến… Dự kiến đến đầu đợt 2 lấy nước, tổng diện tích có nước sẽ đạt khoảng 35-40%.
Để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ ngày 13h ngày 3/1 (trước thời điểm bắt đầu lấy nước khoảng 2,5 ngày).
Mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội trong ngày 5/1 đạt trung bình 1,45 m, cơ bản bảo đảm cho các công trình thủy lợi đủ điều kiện vận hành trước khoảng 1 ngày so với yêu cầu. Mực nước trong đợt 1 trung bình đạt 1,56 m, cao nhất đạt 1,92 m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là 1,41 tỷ m3 nước.
Theo ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội bị tác động mạnh của thủy triều nên việc duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội ở mức trung bình 1,7 m không bảo đảm.
Tuy nhiên, dòng chảy đã bảo đảm yêu cầu đẩy mặn và tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho các công trình vận hành lấy nước, đặc biệt là các công trình ở khu vực ảnh hưởng triều và các trạm bơm dã chiến. Việc mực nước được duy trì ở mức tương đối cao trước 1 ngày so với kế hoạch cũng hỗ trợ rất tích cực cho các công trình thủy lợi vận hành.
Các công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như trạm bơm Trung Hà, Phù Sa (Hà Nội); các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước. Tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây, kể cả khi các nhà máy thủy điện vận hành tối đa công suất phát điện.
Đến hết ngày 9/1, diện tích có nước của các tỉnh thành như sau: Phú Thọ 51,2%, Nam Định 49,5%, Vĩnh Phúc 47,8%, Ninh Bình 40,1%, Hải Phòng 32,4%, Hà Nam 29%, Thái Bình 14,2%, Hải Dương 9,7%, Hà Nội 4,3%, Bắc Ninh 3,5%, Hưng Yên 0,1%.
Về tiến độ lấy nước giữa các địa phương có sự khác nhau, theo ông Lương Văn Anh, các địa phương có tiến độ lấy nước tốt như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng và Hà Nam đã tổ chức lấy nước sớm, các công trình thủy lợi đã được nâng cấp nên tiến độ lấy nước tương đối nhanh.
Các địa phương Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên chủ yếu lấy nước để thau rửa hệ thống thủy lợi, tích nước trong hệ thống và chưa đưa nước lên ruộng do còn nhiều cây vụ Đông. Các địa phương này thường có tiến độ lấy nước rất nhanh nên sẽ hoàn thành lấy nước trong đợt 2.
Tỉnh Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành nâng cấp công trình thủy lợi, bảo đảm lấy nước chủ động, ít phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa nên sẽ cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy theo đúng thời vụ.
Riêng thành phố Hà Nội hiện chưa tập trung lấy nước vào ruộng do tập quán canh tác muộn và một số công trình thủy lợi chưa được nâng cấp, phải lấy nước bằng các trạm bơm dã chiến nên tiến độ lấy nước chậm. Đây là địa phương thường xuyên chậm tiến độ so với các địa phương khác.
Ngoài ra, thời tiết hanh khô, không có mưa, đất phơi ải tương đối khô nên lượng nước đổ ải cần nhiều hơn các năm trước.
So với một số năm gần đây, diện tích có nước cao hơn 3,4% so với năm 2021 (21,1%), thấp hơn giai đoạn 2018-2020 từ 5-30% (năm 2020 là 54%, năm 2019 là 54,4%, năm 2018 là 29,5%).
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả, ông Lương Văn Anh cho rằng, các địa phương tiếp tục vận hành công trình đưa nước lên ruộng trong thời gian trước đợt 2 nếu điều kiện nguồn nước cho phép.
Đồng thời, tổ chức vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước; tập trung phương tiện lấy nước để hoàn thành kế hoạch trong đợt 2.
Các địa phương đang có diện tích đủ nước thấp và nhiều diện tích khó cấp nước như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước.
Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa công suất phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, nâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,8-1,9 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.
Trong chuyến kiểm tra công tác lấy nước tại các tỉnh Hà Nam và Nam Định ngày 7/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã nhấn mạnh, năm nay có 2 đợt lấy nước (thay vì 3 đợt như mọi năm) vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
Thời điểm này, dung tích trữ hồ thuỷ điện Hoà Bình đang thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước. Do đó, các địa phương cố gắng để lấy nước tối đa có thể để tiết kiệm nhất nguồn nước xả, vừa đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo phát điện phục vụ sự phát triển chung của đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, đợt 2 lấy nước sẽ bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/2 đến 24 giờ ngày 8/2 (tổng cộng 8 ngày).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tăng cường vận hành phát điện tối đa công suất các tổ máy trước khoảng 2-3 ngày, dòng chảy được duy trì ở mức cao (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,8-1,9 m tại trạm Thủy văn Hà Nội) nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước.