Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2022-2023 chỉ có 2 đợt nên ngay từ đợt 1 các địa phương có điều kiện đã tập trung lấy nước. Qua ngày đầu tiên đã thấy nhiều địa phương có diện tích lấy nước khá tốt. Với tốc độ này, sau đợt 1, những địa phương đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đạt kế hoạch. Nhìn chung các địa phương sẽ đạt trung bình khoảng 70%, một số địa phương sẽ tập trung chính vào đợt 2.
Không chỉ trông chờ vào xả nước từ hồ thủy điện Hòa Bình, các địa phương ở vùng thủy triều có thể tranh thủ thủy triều lên để tăng cường lấy nước vào ruộng. Các địa phương cần thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với việc chuẩn bị khu tích nước, nạo vét kênh mương để vừa dẫn nước tốt, vừa chứa nước tốt. Với đợt 1, việc tích nước rất quan trọng. Bên cạnh đó, địa phương cố gắng vận động bà con gieo cấy cùng một thời điểm thì việc lấy nước sẽ tập trung và hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương hạn chế tối đa các trà Xuân sớm, trung, tập trung vào gieo cấy trà Xuân muộn; tập trung trong tháng 2/2023 để đảm bảo thời gian trỗ bông lúa từ ngày 10-20/5/2023, hạn chế được ảnh hưởng của rét nàng bân, rét cuối vụ.
Các địa phương cũng cần ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, sử dụng mạ non; khuyến khích áp dụng máy cấy, hạn chế tối đa gieo sạ. Mỗi địa phương nên tập trung 3-4 giống chủ lực, chuẩn bị tốt vật tư đầu vào, máy móc làm đất… nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả. Trên kế hoạch chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể trên cơ sở nguồn lực, nguồn nước của mình.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh đã sớm chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi, địa phương kiểm tra, tham mưu cho ngành nông nghiệp để đảm bảo các điều kiện gieo cấy trong thời vụ tốt nhất.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi của tỉnh Nam Định đã tăng cường lực lượng túc trực trại công trình đầu mối, chủ động nhập nước vào hệ thống kênh mương, tận dụng tối đa thười gian lấy nước; đồng thời kiểm tra các bờ vùng, bờ thửa để quản lsy chặt chẽ nguồn nước, không để thất thoát lãng phí nước.
Nam Định cũng vận động, hướng dẫn người dân sớm thu hoạch cây vụ Đông canh tác trên đất lúa; thực hiện làm đất để giữ nước trên ruộng..
Để chuẩn bị lấy nước phục vụ sản xuất, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà cho biết, từ cuối tháng 10/2022, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình sau mùa mưa bão. Đồng thời, tập trung sửa chữa công trình, bảo dưỡng máy móc thiết bị, vệ sinh kênh tưới, kênh tiêu, bạo vét một số đoạn bị bồi lắng để đảm bảo năng lực truyền trải và khả năng tích trữ nước. Công ty cũng phối hợp với các công trình khai thác công trình thủy lợi thuộc hệ thống kiểm tra hiện trạng công trình, các trục kênh tiêu chính, kênh tiêu cấp I, II trước khi lấy nước.
Theo báo cáo nhanh của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến 16h ngày 7/1, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã có 60.645 haha được lấy nước, tương đương 12,2% tổng diện tích cần lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2022-2023.
Cụ thể: Phú Thọ có diện tích lấy nước đạt cao nhất là 39%, tiếp đến Nam Định 30%, Ninh Bình 19,6%, Hà Nam 17,1%, Vĩnh Phúc 12%, các địa phương còn lại đạt từ 0-5%.
Mực nước trung bình ngày thứ 2 lấy nước đợt 1 tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,5 m, cao nhất lúc 11 giờ đạt 1,77 m. Mực nước trong ngày vẫn bảo đảm đủ điều kiện cho các công trình thủy lợi đã được nâng cấp và công trình vùng ảnh hưởng triều vận hành.