Hoàn thiện chỉ số cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) được coi là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động CCHC trên các lĩnh vực: cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; CCHC công và hiện đại hóa nền hành chính. Việc xác định Chỉ số CCHC từng bước tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính.


Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu


Năm 2013, ở cấp bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải đứng đầu với chỉ số 81,06%. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu chỉ số CCHC, đạt chỉ số 87,02%. Đà Nẵng cũng cao hơn so với mức trung bình của cả nước 9,46%, đồng thời cao gấp 1,48 lần so với chỉ số CCHC của tỉnh Sơn La - tỉnh xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng.

 

Người nộp thuế đến nhận hồ sơ thuế tại bộ phận “một cửa” của Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Chia sẻ kinh nghiệm về thành tích hai năm liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, công tác CCHC luôn được thành phố quan tâm chỉ đạo, thường xuyên quyết liệt trong đó đặc biệt chú trọng cách làm mới, tạo hiệu quả trong chất lượng phục vụ công dân. Từ năm 2005 đến nay, TP Đà Nẵng đã triển khai đánh giá, xếp hạng tại tất cả các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện, phường xã. Từ đó, sớm ban hành quy định của UBND thành phố về phương pháp, cơ chế đánh giá. “Kết quả bước đầu đã góp phần từng bước cải thiện chất lượng điều hành, hướng đến mục tiêu cải thiện thể chế hành chính, tạo lập môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh ngày một thân thiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công ngày càng tốt hơn cho người dân”, ông Tuấn cho biết.


Chỉ số CCHC năm 2013 cũng cho thấy có những cải thiện thứ hạng vượt bậc của nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh lần đầu tiên đạt kết quả tốt, xếp thứ hạng cao và nằm trong nhóm các tỉnh đạt chỉ số trên 80%.


Ông Phạm Quang Tuệ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để tạo bước đột phá trong CCHC, tỉnh đã chỉ đạo ban, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc cho người dân, trong đó có những vấn đề “nóng” như: giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đặc biệt là đơn thư khiếu nại tố cáo về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân; cải cách tổ chức bộ máy, công chức; giải thể một số trường trung cấp không phù hợp với tình hình thực tiễn…


Tăng cường kiểm tra thực hiện


Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, sự thay đổi về mặt thứ tự trong bảng xếp hạng so với năm 2012 cho thấy, sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương đối với CCHC. Sau kết quả công bố năm 2012, các đơn vị đã nhìn nhận những tồn tại, yếu kém và đề ra những biện pháp khắc phục để bộ máy hành chính đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, năm 2013 có 9 bộ, ngành nâng hạng gồm Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế. 7 bộ tụt hạng gồm Bộ Tư pháp, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc.

Để bộ chỉ số đánh giá được hoàn thiện thì cần có sự đánh giá dựa trên sự hài lòng của người dân thông qua việc hỏi ý kiến. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, về cơ bản các tiêu chí đưa ra đánh giá là phù hợp. Tuy nhiên, việc đánh giá này được tiến hành trong nhiều năm, do vậy cần chọn các tiêu chí nào chung nhất, tương đối ổn định. Ví dụ với tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính thì cần hỏi ý kiến của người dân thay vì chủ yếu là ý kiến của cán bộ cơ quan nhà nước như hiện nay.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong CCHC nói chung, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Triển khai các nhiệm vụ cụ thể về CCHC, tháo gỡ ngay các vướng mắc trong các lĩnh vực thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng, thuế, hải quan, điện lực,... Đi liền với đó, các đơn vị phải bố trí nguồn lực thực hiện CCHC, tăng cường kiểm tra đôn đốc thực hiện. Bộ trưởng trực tiếp đôn đốc cấp bộ, ở địa phương thì Sở Nội vụ tham mưu, đôn đốc. Các bộ, tỉnh, thành bị tụt hạng hoặc chỉ số thấp thì tìm nguyên nhân đưa ra giải pháp để khắc phục.


Thu Phương - Xuân Phong

Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cải cách hành chính
Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cải cách hành chính

Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ đã Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN