Tạo đột phá trong cải cách hành chính

Mặc dù việc cải cách hành chính của TP Hồ Chí Minh đã có những cải tiến rõ rệt, thủ tục nhanh gọn hơn nhưng vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân. Do vậy, TP Hồ Chí Minh xác định cải cách thủ tục hành chính là một trong sáu chương trình đột phá để từng bước nâng tầm, tiến tới xây dựng chính quyền đô thị.


Một cửa điện tử


TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế và đô thị phát triển bậc nhất cả nước. Muốn tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội thì việc cải cách thủ tục hành chính đóng một vai trò rất quan trọng. Một trong những yếu tố góp phần cải cách thủ tục hành chính là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý.

 

Cải cách thủ tục hành chính tại TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến đáng kể.


Để hỗ trợ người dân và giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, quận Tân Bình đã sử dụng công nghệ thông tin để kết nối mạng với tất cả các cơ quan hành chính, đồng thời công khai thủ tục trên mạng. Trung tâm hành chính quận được trang bị máy tính công cộng để người dân dễ dàng tra cứu thông tin hoặc tìm hiểu về thủ tục hành chính. Hiện nay, đã có 282 thủ tục hành chính cấp quận được xây dựng phần mềm theo dõi và quản lý tiến độ hồ sơ. Tại Trung tâm hành chính quận có 17 quy trình được thực hiện theo quy chế một cửa liên thông và tại tất cả các phường có 14 quy trình xử lý văn bản theo cơ chế một cửa. Ðiều này giúp người dân tiết kiệm được thời gian làm thủ tục.


Trong khi đó, tại quận 1, ngoài việc công khai thông tin, hướng dẫn về thủ tục hành chính, UBND quận còn tích hợp dữ liệu cá nhân để quản lý và truy xuất ngay lập tức khi người dân cần. Ngoài ra, UBND quận 1 còn sử dụng hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công viên chức.

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ
TP Hồ Chí Minh
:

Kiểm tra thái độ, phục vụ của cán bộ công chức

 Thành phố sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức. Bộ quy tắc này sẽ quy định rõ những gì cán bộ công chức được phép làm và không được phép làm. Đồng thời, thành phố cũng sẽ kiểm tra thái độ phục vụ của cán bộ công chức; sát hạch bắt buộc định kỳ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo và công chức chuyên môn nghiệp vụ. Những cán bộ công chức làm hồ sơ trễ hẹn cũng sẽ bị kiểm điểm và xử lý.

Ông Lê Trương Hải Hiếu,
Phó chủ tịch UBND quận 1:

Xây dựng phần mềm số hóa dữ liệu hành chính

Hiện ở quận 1 đã xây dựng phần mềm số hóa hành chính dữ liệu dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh hơn. Bên cạnh đó, quận còn xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức và công khai bộ quy tắc này để người dân giám sát. Trong thời gian tới, quận sẽ thực hiện "số hóa hồ sơ hành chính" trên phạm vi toàn địa bàn quận để tạo thuận lợi cho việc quản lý giải quyết hồ sơ cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh:

Phát huy vai trò giám sát của nhân dân

Để nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức, ngoài việc đảm bảo môi trường làm việc, chế độ chính sách thì cần phải giáo dục cán bộ công chức nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhân dân. Bên cạnh đó, việc minh bạch về thủ tục hành chính kèm theo công tác thanh tra công vụ thường xuyên và đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của nhân dân cũng sẽ giúp cán bộ, công chức thực hiện đúng nhiệm vụ của mình khi phục vụ nhân dân.


Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 24/24 quận huyện và 7 sở, ban ngành tham gia cung cấp hồ sơ hành chính cho người dân qua hệ thống "một cửa điện tử"; đồng thời triển khai hệ thống một cửa điện tử trên điện thoại di động (trên cơ sở ứng dụng mạng 3G) giúp người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai mô hình liên thông, kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc từ UBND thành phố đến các sở, ban ngành, quận, huyện nhằm hiện đại hóa nền hành hành chính, thay thế dần bằng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số.

“Hiện nay, thủ tục hành chính đã dễ hiểu hơn, dễ thực hiện hơn và đang được công khai trên các trang web. Việc giải quyết thủ tục hành chính đang được công nghệ hóa. Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng nền hành chính điện tử, đặc biệt là xây dựng nền hành chính công từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, nghĩa là người dân chỉ nộp hồ sơ qua mạng và nhận một lần tại nơi trả kết quả”, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, cho biết.


Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện đã có 21 quận, huyện triển khai dịch vụ "chuyển phát kết quả" giải quyết hồ sơ hành chính tại nhà. Riêng UBND huyện Hóc Môn còn xây dựng phần mềm nhắn tin tự động báo kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà đất cho người dân qua đầu số 8713.


Cần đơn giản hóa thủ tục


Theo ông Lê Hoài Trung, sau 3 năm cải cách thủ tục hành chính đã có 30% thủ tục được đơn giản. Theo đó, nếu như trước đây TP Hồ Chí Minh có 2.540 thủ tục, nay đã giảm còn hơn 2.100 thủ tục. Tuy nhiên, nhiều người dân và doanh nghiệp cho biết vẫn còn tình trạng người dân nộp hồ sơ phải chờ đợi lâu, khi muốn được tư vấn thì có nơi cán bộ, công chức không được lịch sự, đặc biệt, khi nộp hồ sơ nhà đất, người dân phải đi lại rất nhiều lần.


Bà Lê Thị Giàu, Giám đốc Công ty Tấn Hưng, cho rằng, quy trình thủ tục còn rườm rà, chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp lúng túng. Bà Giàu ví dụ: Dự án 584 của công ty đã được Bộ Xây dựng cho phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư phải chờ duyệt tại Sở Xây dựng, rồi chờ duyệt ở Sở Quy hoạch kiến trúc và sau đó là ở UBND quận. Sau đó, để có được quyết định chuyển đổi, doanh nghiệp lại được yêu cầu đăng ký với phường và phải chờ đợi thêm 3 tuần để hồ sơ “lội ngược” lên quận. Chính vì phải hoàn thiện thủ tục lòng vòng như thế nên doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian.


Theo ông Nguyễn Tiến Hưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dịch vụ xây dựng (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh), trong thời gian qua, Sở đã áp dụng cơ chế một cửa, một dấu, ISO thủ tục, thăm dò ý kiến khách hàng… Thực tế cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc cải cách thủ tục hành chính vẫn còn những tồn tại như: trễ hẹn hồ sơ, người dân phải đi lại nhiều lần, vẫn gặp phiền hà khi thực hiện các quy định về thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền. “Một số công chức lợi dụng sự chưa minh bạch, không rõ ràng trong quy định gây phiền hà cho dân”, ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thừa nhận.


Nhận định về tình hình giải quyết thủ tục hành chính hiện nay, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, cho rằng, cải cách hành chính trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, song cán bộ cần hiểu dân hơn để tránh tình trạng quan liêu; đồng thời cần giáo dục, rèn luyện để cán bộ nhận thức vai trò của mình trong việc giải quyết công việc cho nhân dân.

Tuyết - Đức - Phương

Rào cản tín dụng và thủ tục hành chính
Rào cản tín dụng và thủ tục hành chính

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm qua (28/4), cộng đồng DN đã bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN