Nhiều hộ chủ động xin thoát nghèo
Trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo trước năm 2015, chính sách hỗ trợ thiên về "cho không" đã dẫn tới tình trạng một bộ phận cư dân có tư tưởng tiêu cực, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng nhiều chính sách ưu đãi.
Nhận thấy thực tế này, khi xây dựng chính sách và xác định đối tượng cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã xây dựng chính sách giảm nghèo đa chiều dựa trên tiếp cận đa chiều mới dựa trên chiều thu nhập và 5 dịch vụ thiếu hụt (Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin) để có từng kế hoạch can thiệp cụ thể và không chung chung như trước.
Theo quyết định từ Chính phủ, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 được tính bằng 70% của chuẩn mức sống tối thiểu (chuẩn cận nghèo), cụ thể là: 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, cả nước có hơn 2,38 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1.235 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,22%).
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi Đông Bắc là 20,74% , khu vực miền núi Tây Bắc 34,52%, khu vực đồng bằng sông Hồng 4,6%, khu vực Bắc Trung Bộ 12,5%, khu vực duyên hải miền Trung 11,4%, khu vực Tây Nguyên 17,4%, khu vực Đông Nam Bộ 1,23%, khu vực đồng bằng sông Cửu Long 9,66%.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo tăng gấp đôi từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016. Chính phủ điều chỉnh chính sách giảm nghèo từ hỗ trợ cho không sang tăng cường chính sách cho vay có hoàn trả, có điều kiện và có thời hạn. Đơn cử như các chính sách hỗ trợ nhà ở chuyển từ cho không sang cho vay dài hạn, lãi suất thấp. Chính sách vay vốn tín dụng hỗ trợ sản xuất cũng tăng mức cho vay, linh hoạt thời gian vay cho hộ nghèo, cận nghèo.
“Việc thay đổi chính sách theo hướng tiếp cận này không thể làm một lúc ngay được mà chuyển đổi từ từ. Do đó, chính sách giảm nghèo đa chiều đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức thoát nghèo từ cộng đồng và chính người dân”, ông Ngô Trường Thi, nguyên Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết.
Từ những đầu tư cho các chính sách giảm nghèo thực hiện những năm trước và triển khai mạnh mẽ năm 2016-2017, đến năm 2018, tinh thần tự nguyện thoát nghèo đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Để lan tỏa tinh thần chủ động thoát nghèo, năm 2018, lần đầu tiên Bộ LĐBXH tuyên dương 8 huyện thoát ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 30 hộ gia đình điển hình. Các tấm gương về thoát nghèo đã được biểu dương như trường hợp hộ anh A Diêng (xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kom Tum) trồng 1.500 cây cà phê, trồng 6.000m2 trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh; ông Dương Kim Vương, dân tộc Dao (xã Hoằng Thắng, Văn Yên, tỉnh Yên Bái) sau khi được học nghề trồng nấm từ lớp đào tạo nghề nông thôn đã vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội làm nhà trồng nấm, mua phôi giống…, đồng thời đầu tư trồng 4ha rừng, chủ yếu trồng quế; gia đình ông Thạch Na, dân tộc Khmer (ấp Cần Tiêu, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) trước đây sống nhờ trên đất người họ hàng, được chính quyền hỗ trợ mua đất để trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu và chăn nuôi bò…
“Có thể thấy, khi được chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm, tập quán dân cư và được hướng dẫn…, người dân đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận thị trường… để thoát nghèo và cùng cộng đồng giảm nghèo”, ông Ngô Trường Thi cho biết.
Sau chương trình tuyên dương các hộ, người nghèo làm đơn xin thoát nghèo, hàng năm, tại các địa phương, chương trình tuyên dương những điển hình thoát nghèo tiếp tục được phát huy, làm điểm nhấn để động viên các hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại.
Theo Bộ LĐTBXH, hệ thống chính sách giảm nghèo đang từng bước được hoàn thiện theo hướng hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo. Bên cạnh đó, các nguồn lực đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cho giảm nghèo đã từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng đường, điện, trường, trạm y tế, hệ thống thủy lợi, chợ, nước sạch mang đến diện mạo mới cho của các huyện, xã thoát nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,53%/năm
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong khu vực về áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ những năm 2015. Báo cáo đánh giá chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 cho thấy, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đã bước đầu phân loại được mức độ nghèo giữa các vùng, miền; nhóm đối tượng thiếu các dịch vụ cơ bản.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% (năm 2019), bình quân giảm 1,53%/năm. Như vậy, kết quả này vượt so với mục tiêu đề ra là giảm từ 1% đến1,5%/năm.
Đến cuối năm 2019, cả nước có 984.764 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,75% và 1.166.989 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,55%. Trong đó, số hộ nghèo về thu nhập là 917.559 hộ, tương ứng 93,17% so với tổng số hộ nghèo; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 67.205 hộ, tương ứng 6,83% so với tổng số hộ nghèo. Như vậy, cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều có xu hướng giảm mạnh hơn trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung, từ 24,4% (năm 2015) xuống còn 6,83% (năm 2019). Số lượng hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đã được giảm mạnh sau 4 năm công bố các chỉ số đo lường (đặc biệt số lượng hộ nghèo thiếu hụt chỉ số nhà tiêu hợp vệ sinh, chỉ số nước hợp vệ sinh, chỉ số chất lượng nhà ở giảm từ 40-50%).
Có được kết quả này là nhờ một loạt chính sách hỗ trợ tiếp cận các chiều thiếu hụt đã sát hơn các nhóm đối tượng đang thiếu và không cào bằng như trước. Cụ thể, nhờ chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo trong 4 năm 2016-2019, đã có trên 62,6 triệu lượt người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số (DTTS), sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã đảo, huyện đảo … được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 43.781 tỷ đồng; trên 10,3 triệu lượt người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT với kinh phí 6.484 tỷ đồng; trên 3,7 triệu lượt người thuộc hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp được cấp thẻ BHYT với kinh phí trên 1.347 tỷ đồng.
Đáng chú ý là chính sách tín dụng ưu đãi trong 4 năm 2016-2019 đã thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và vay vốn nhà ở hộ nghèo với tổng doanh số cho vay là 139.663 tỷ đồng (trong đó cho vay hộ nghèo là hơn 44.186 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 40.044,6 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là hơn 44.781 tỷ đồng, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là hơn 8.018 tỷ đồng, cho vay nhà ở hộ nghèo là hơn 2.631 tỷ đồng).
Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ về nhà ở. Triển khai Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, đến nay đã có 76.900 hộ được vay vốn với dư nợ tín dụng là 1.942 tỷ đồng (bình quân 25,2 triệu đồng/hộ) để xây dựng nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Còn với chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn trong 2 năm (2017-2018) ngân sách nhà nước đã bố trí 1.049 tỷ đồng để mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân….
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ hạn chế như quy định chuẩn nghèo về thu nhập bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015 với mức 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp và không thể áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025.
Thực tiễn áp dụng chuẩn nghèo chưa phân loại chính xác các nhóm hộ nghèo theo nhu cầu cần hỗ trợ, phản ánh các đặc điểm nổi bật của hộ; đặc biệt là nhóm hộ nghèo “kinh niên” thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. Do vậy, hiện chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp tác động phù hợp đối với nhóm hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Hiện chỉ một số địa phương có tiềm lực kinh tế như Hà Nội có chính sách riêng cho nhóm đối tượng này.
Do đó, chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 sớm thay đổi chuẩn nghèo để phản ánh khách quan thực trạng nghèo của cả nước, từng khu vực làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách, cơ chế, giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Từ thực tiễn áp dụng chính sách giảm nghèo đa chiều, Bộ LĐTBXH cùng các địa phương đánh giá, phân loại đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm cũng như phân công đảng viên, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, vận động xã hội hóa để giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Bài 3: Thay đổi chuẩn nghèo phù hợp tình hình mới