Ông đánh giá như thế nào về công tác giảm nghèo tại nước ta thời gian qua, thưa ông?
Năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam công bố chuẩn nghèo. 27 năm qua đã có 7 lần Việt Nam thay đổi công bố chuẩn nghèo theo từng giai đoạn, thời kỳ.
Lần đầu Việt Nam công bố chuẩn nghèo vào năm 1993, số hộ nghèo chiếm gần 60% dân số. Trong đó, chuẩn nghèo đầu tiên được xác định bằng gạo, sau chuyển sang tính bằng tiền. Năm 2015, Việt Nam chuyển sang đo lường tiếp cận nghèo đa chiều, áp dụng giai đoạn 2016-2020.
Tiếp cận nghèo đa chiều là bước tiến lớn trong tư duy, thực hiện chính sách. Trong khu vực, Việt Nam là nước tiên phong xây dựng tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều. Từ đó, các Bộ ngành có cơ sở để triển khai nhiều cơ chế chính sách, chương trình xung quanh chuẩn nghèo đa chiều này và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trước hết, đó là chuyển từ nghèo đơn chiều về thu nhập sang nghèo đa chiều. Việc nhìn nhận vấn đề nghèo đói của một gia đình trở nên đầy đủ và toàn diện hơn. Không chỉ là vấn đề nghèo về thu nhập mà còn là nghèo về sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt - vệ sinh, thông tin.
Việc tiếp cận nghèo đa chiều cũng giúp Việt Nam xác định nguyên nhân nghèo một cách đầy đủ hơn, chính xác hơn; nhận diện đối tượng cũng toàn diện hơn. Chuẩn nghèo đa chiều cũng là cơ sở để Chính phủ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo hướng giải quyết các vấn đề nghèo đói của người nghèo, hộ nghèo, cũng như của người dân và địa bàn vùng lõi nghèo theo hướng giải quyết vấn đề nghèo đói đa chiều. Trong đó, các địa phương tập trung vào nâng cao thu nhập cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; giúp cho người dân tại vùng lõi nghèo có cơ hội tốt hơn trong việc tạo lập ổn định cuộc sống, tiếp cận dịch vụ xã hội, phát triển công trình liên kết vùng, phục vụ dân sinh, giao thương kết nối để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là cơ sở để các Bộ ngành trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tác động giải quyết chiều thiếu hụt của người nghèo. Theo đó, những nơi thiếu hụt về dịch vụ y tế sẽ hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; địa bàn nào thiếu hụt về giáo dục thì thực hiện chính sách miễn giảm học phí.... Từ nhìn nhận ra nguyên nhân nghèo để đưa ra cơ chế chính sách gồm Nghị định, Thông tư, kế hoạch … để giải quyết vấn đề y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch- vệ sinh, thông tin. Đơn cử như Hải Phòng hỗ trợ người nghèo giải quyết vấn đề nhà ở người nghèo bằng cách hỗ trợ tiền xi măng, gạch; Hà Nội trợ cấp cho người nghèo không có khả năng lao động, đơn thân…
Tiếp đó, từ chính sách giảm nghèo đa chiều, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hướng đến giải quyết các mục tiêu của người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn. Các chính sách hướng đến hỗ trợ gắn với nguyên nhân của người nghèo theo 2 nhóm cụ thể: Hỗ trợ cho con người và địa bàn lõi nghèo.
Trong quá trình thực hiện giảm nghèo đa chiều có bộc lộ những bất cập nào cần thay đổi trong thời gian tới, thưa ông?
Trước hết, chuẩn nghèo về thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Chuẩn thu nhập này trên thực tế chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu của địa bàn dân cư tại thời điểm năm 2015; đến 2018 chỉ còn là 50% mức sống tối thiểu và đến năm 2020, mức này còn thấp hơn nữa. Trong khi mục tiêu giảm nghèo của chúng ta là tiệm cận và hướng tới đạt chuẩn mức sống tối thiểu tại địa bàn dân cư, thì rõ ràng chuẩn nghèo thu nhập hiện nay thấp, vô hình chung khiến rất nhiều người nghèo đã bị loại ra khỏi danh sách những người nghèo thực sự. Điều này sẽ khiến xây dựng cơ chế chính sách sẽ không tác động đến hoặc tác động hạn chế, thiếu hiệu quả vì họ không được nhận diện là người nghèo. Đồng thời, số lượng người nghèo không phản ánh khách quan thực trạng nghèo, vùng nghèo trên cả nước.
Giai đoạn gần 5 năm vừa qua là khoảng thời gian lần đầu Việt Nam triển khai tiếp cận nghèo đa chiều nên trong thực tế một số chiều và chỉ số của từng chiều (dịch vụ xã hội cơ bản) chưa được nhận diện, xác định trong chuẩn nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ LĐTBXH và tổ chức hợp tác quốc tế thì chúng ta cần bổ sung một số tiêu chí; trong đó, chiều thiếu hụt về việc làm được xác định là thành tố quan trọng giúp giảm nghèo. Có việc làm thì mới tạo thu nhập bền vững. Một số tiêu chí về trợ giúp xã hội cũng cần phải nghiên cứu thêm.
Vấn đề chỉ số đo lường xác định sự thiếu hụt, ngưỡng thiếu hụt cũng sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phản ánh từ địa phương. Đơn cử như chỉ số đo lường tiếp cận dịch vụ y tế khó phản ánh chính xác như thế nào là tiếp cận được, chất lượng dịch vụ như thế nào? Trong khi đó, chiều về y tế thì vấn đề về dinh dưỡng là rất quan trọng nhưng giai đoạn vừa qua lại không có trong đo lường. Theo phản ánh từ địa phường, đối với người nghèo ở vùng sâu vùng xa thì dinh dưỡng lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Nếu suy dinh dưỡng, thấp còi thì cũng là dạng thiếu hụt của người nghèo.
Trong quá trình thực hiện tiếp cận nghèo đa chiều, các địa phương vẫn tách ra thành 2 nhóm: Nhóm hộ nghèo về thu nhập và nhóm hộ nghèo thiếu dịch vụ cơ bản. Điều đó dẫn đến hỗ trợ tập trung vào nhóm nghèo về thu nhập nên tạo sự bất bình đẳng, chưa công bằng.
Quá trình giám sát tại địa phương cho thấy, đa số các địa phương hướng tới triển khai hỗ trợ nhóm nghèo thu nhập lên tới 90% và chỉ 10% là nghèo đa chiều. Có địa phương, hỗ trợ nghèo tập trung tới 99% dồn hết vào nhóm nghèo thu nhập.
Vậy trong giai đoạn tới, chuẩn nghèo đa chiều để xác định hộ nghèo và cận nghèo như thế nào, thưa ông?
Hiện Văn phòng quốc gia giảm nghèo đang xây dựng chuẩn nghèo mới cho chu kỳ phát triển kinh tế - xã hội mới (2021-2025) để đưa ra chuẩn nghèo mới trong giai đoạn tới, phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội và điều kiện khả năng bố trí ngân sách của Nhà nước.
Chuẩn nghèo về thu nhập của chúng ta đang đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người nghèo vào năm 2015 khi xây dựng. Còn giai đoạn 2020, chúng ta không chỉ lo cái ăn mà hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Đây là cung bậc khác, hướng tới mức độ cao hơn và dựa trên chuẩn mức sống tối thiểu do Tổng cục Thống kê công bố khảo sát trong thời gian qua.
Theo đó, Bộ LĐTBXH đang đề xuất mức chuẩn nghèo thu nhập với vùng nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng. Hộ nghèo và cận nghèo sẽ cùng chuẩn nghèo thu nhập và khác nhau ở các chiều dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ nghèo thiếu từ 3 dịch vụ xã hội cơ bản trở lên; còn hộ cận nghèo thiếu dưới 3 dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo chu kỳ mới, chuẩn nghèo này cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, dân tộc miền núi, giảm nghèo… Nếu áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, theo ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng với 2,5 triệu hộ với 10 triệu người nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 7 %, tương ứng với 1,89 triệu hộ với 7,61 triệu người cận nghèo. Tổng nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 khoảng 78,30% so với giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình thực hiện giảm nghèo đa chiều 5 năm qua, theo đánh giá của ông, chiều dịch vụ xã hội cơ bản nào còn thiếu nhiều nhất?
Các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản phụ thuộc vào từng vùng miền. Trong thời gian vừa qua thì nước sạch ở miền Tây Nam bộ là vấn đề lớn rất lớn. Thậm chí có cả một vùng là thiếu hụt chiều về nước sạch. Hiện vấn đề hạn hán, nước mặn xâm nhập… không chỉ với người nghèo mà cả cộng đồng dân cư.
Về chiều nhà ở, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì địa phương cũng có chính sách hỗ trợ cho người nghèo, nhất là từ phía Mặt trận Tổ quốc có chính sách xã hội hóa như Hải Phòng hỗ trợ xi măng, gạch cho người nghèo và hộ nghèo đóng góp thêm vôi ve… Bạc Liêu chính sách huy động hỗ trợ từ cộng đồng.
Các chiều về y tế thì người nghèo được bao phủ 100%. Giáo dục diện bảo phủ đối tượng toàn diện. Chiều về dịch vụ thông tin cũng cơ bản được đáp ứng.
Trong các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, giai đoạn tới, theo đề xuất của cơ quan nghiên cứu có chiều về việc làm. Vậy các tiêu chí xác định chiều việc làm này như thế nào, thưa ông?
Điểm mới trong các chiều dịch vụ xã hội cơ bản được bổ sung lần này có chiều về việc làm. Cụ thể, các tiêu chí xác định như: Trong hộ, người trong độ tuổi lao động có việc làm hay không, việc làm đó có bền vững không, việc làm dài hạn hay mang tính chất thời vụ… Bộ LĐTBXH cũng đang chọn cách đo lường khi xác định trong gia đình có bao nhiêu người thất nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống. Những gia đình có người trong độ tuổi lao động và có việc làm thì có khả năng tạo cuộc sống ổn định, thoát nghèo và sẽ có BHXH, BHYT và học hành.
Nếu gia đình có người thất nghiệp sẽ khoanh vùng thiếu chỉ số việc làm. Bên cạnh đó là các thành viên trong gia đình là người phụ thuộc. Có những trường hợp gia đình nghèo có nhiều người phụ thuộc, khó thoát nghèo. Trong hộ gia đình (tính theo hộ) toàn là người già, trẻ em, người khuyết tật và như vậy không thể thoát nghèo thì xác định là đối tượng bảo trợ vì không thể tác động qua hình thức hỗ trợ việc làm mà tác động qua chính sách bảo trợ của Nhà nước với nhóm này.
Những nhóm người nghèo kinh niên xác định không thể thoát nghèo được thì bên cạnh hình thức hỗ trợ Nhà nước cũng căn cứ hỗ trợ bằng hình thức trợ giúp xã hội và huy động nguồn lực từ cộng đồng. Từ thực tế của địa phương , nhóm đối tượng này khó tạo tăng thu nhập từ tạo sinh kế và việc làm, đi học nghề.
Do đó, từ các chỉ số đo lường đa chiều thì sẽ xác định nguyên nhân nghèo và từ đó sẽ có mục tiêu, phương thức và chính sách để giảm nghèo.
Trong quá trình thực hiện giảm nghèo vừa qua thì có nhiều chính sách chồng lấn nhau. Vậy giai đoạn này theo rà soát của Bộ đã giảm nhiều chưa, thưa ông?
Trong giai đoạn vừa qua, Quốc hội và Chính phủ cũng yêu cầu Bộ ngành xây dựng chính sách theo hướng tích hợp chính sách. Trước đó, chính sách giảm nghèo ở nhiều văn bản, lĩnh vực khác nhau. Nay thực hiện theo hướng là thu gọn đầu mối và chỉ để một đầu mối chính và chính sách tích hợp lại.
Bộ LĐTBXH và bộ ngành nghiên cứu, xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện chính sách, tích hợp chính sách. Trong giai đoạn vừa qua đã có những thành tựu và trong giai đoạn tới tiếp tục thực hiện do lĩnh vực giảm nghèo quá rộng.
Kết quả rà soát của Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cho thấy có 118 văn bản của các bộ ngành trực tiếp liên quan đến giảm nghèo nên vấn đề trong thời gian tới là tích hợp.
Các chính sách tiếp tục đổi mới theo hướngc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo; tiến tới giảm bớt và xóa bỏ chính sách cho không để tạo động lực cho người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; không thể cơ chế chính sách tạo ra tâm thế trông chờ vào Nhà nước và không muốn thoát nghèo. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần, người nghèo đóng góp một phần.
Theo đánh giá của ông, chính sách nào tác động lớn theo hướng bỏ dần “cho không”?
Theo tôi, đó là chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ về làm nhà ở, nước sạch và chính sách hỗ trợ BHYT với hộ cận nghèo... Đồng thời, các địa phương khi triển khai mô hình hỗ trợ cây giống, vật nuôi thì nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo sau một thời gian được thu hồi lại luân chuyển hỗ trợ cho người khác trong cộng đồng đó. Quá trình thực hiện trong cộng đồng, các hộ nghèo, cận nghèo giám sát lẫn nhau.
Trong các chính sách hỗ trợ có điều kiện, rõ nhất là tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội là chính sách nổi bật, góp phần vào thành tựu giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, cận nghèo. Đây là xu hướng cho người nghèo, cận nghèo điều họ cần là “cần câu”, nguồn lực để tổ chức sản xuất kinh doanh tạo ra thu nhập. Số người nghèo tham gia tín dụng ưu đãi lớn và tiếp tục tăng, nợ quá hạn lại thấp vì người nghèo vay trả nghiêm túc. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2020 dù thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19 nhưng có hơn 1 triệu người nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh cho thấy sự lan tỏa lớn. Hầu như người nghèo có nhu cầu đều được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Có địa phương phản ánh nguồn lực không đủ nhưng thực tế nguồn lực không thiếu vì Chính phủ luôn cấp nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người nghèo, cận nghèo được tiếp cận.
Để chính sách tín dụng này phát huy giai đoạn tới, cần có sự đổi mới nào, thưa ông?
Để chính sách tín dụng này triển khai tốt hơn trong giai đoạn tới thì các đơn vị liên quan cần rà soát lại văn bản, chính sách để điều chỉnh phù hợp với thực tế cuộc sống và cơ sở; trong đó có việc xác định đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chương trình chính sách tín dụng ưu đãi và điều kiện người nghèo, cận nghèo và yếu thế khác tiếp cận phù hợp với chính sách thay đổi. Tiếp đến là thủ tục sao cho công khai, minh bạch, thuận lợi hơn cho người nghèo vay.
Bên cạnh hỗ trợ thì địa phương và đơn vị cho vay cũng xây dựng đội ngũ cán bộ hướng dẫn, tư vấn để người nghèo sử dụng vay vốn đạt hiệu quả, phù hợp với năng lực, nhu cầu thị trường, địa bàn họ sinh sống. Không chỉ mang tiền cho họ vay là xong mà cần giúp đỡ họ sử dụng sao có hiệu quả, kết nối thị trường, bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho họ.
Điểm nổi bật trong thời gian qua là việc hộ nghèo chủ động thoát nghèo. Ông đánh giá thế nào về việc thay đổi này?
Nhận thức về người dân nghèo, địa bàn nghèo đã thay đổi khi áp dụng chính sách tiếp cận đa chiều và không hỗ trợ cho không như trước. Tại nhiều địa phương có phong trào hộ dân làm đơn xin thoát nghèo, xin ra khỏi hộ nghèo. Họ bước đầu xây dựng kế hoạch nâng cao cuộc sống, không ỷ lại, trông chờ xin hỗ trợ của Nhà nước.
Giai đoạn tới, Bộ LĐTBXH và bộ ngành hữu quan, các địa phương có giải pháp giải quyết thấu đáo để khuyến khích người nghèo thoát nghèo, địa bàn thoát nghèo. Bởi nếu không, sẽ có tình trạng người không muốn thoát và không làm gì thì hỗ trợ nhiều; trong khi người nỗ lực thoát nghèo thì hỗ trợ giảm đi.
Do đó, Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế chính sách theo hướng ai muốn thoát nghèo thì hỗ trợ tối đa; còn ai không muốn thoát nghèo thì giảm nguồn lực, thậm chí chỉ cấp ở mức độ vừa phải, đồng thời tổ chức đánh giá tính hiệu quả sử dụng nguồn lực tại đó. Địa phương thoát nghèo hiệu quả sẽ được bố trí thêm để thoát nghèo bền vững. Địa phương nào sử dụng không hiệu quả phải có đánh giá để từ đó có biện pháp cụ thể để thay đổi cách làm.
Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo thời qua gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã mang lại nhiều kết quả.
Xin cảm ơn ông!