Giảm nghèo đa chiều để phát triển bền vững - Bài 1: Huy động giải pháp hỗ trợ tổng thể

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc thực hiện tiếp cận giảm nghèo đa chiều triển khai trong 5 năm qua dù là bước đi khởi đầu nhưng đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ở nhiều nơi.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều tỉnh thành đã có những giải pháp khác nhau theo từng điều kiện địa bàn để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Sự nỗ lực của chính các hộ dân cùng sự hỗ trợ từ cộng đồng và chính sách hỗ trợ đã giúp nhiều hộ thoát thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho hộ nghèo vùng khó khăn

Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, để tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, trong 5 năm qua, các tỉnh thành triển khai thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Gia đình ông Vi Văn Đoàn, làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông làm kinh tế trang trại tổng hợp VACR mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Bích Huệ

Con Cuông là huyện miền núi tỉnh Nghệ An có tỷ lệ hộ nghèo nhiều, đời sống nhân dân gặp khó khăn nhưng có nhiều điển hình vươn lên thoát nghèo. Trước đây, gia đình ông Vi Văn Đoàn, bản Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là hộ nghèo trong bản. Cuộc sống của gia đình ông Đoàn trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng trọt các loại cây lâu năm, chăn nuôi trâu, bò, gà và 5 bè cá lồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ sau vài năm, gia đình ông Đoàn đã thoát nghèo và được xếp vào diện hộ có kinh tế khá của bản.

Ông Vi Văn Đoàn cho biết: "Trước kia, gia đình không có việc làm nên vợ chồng con cái bàn nhau vào đây làm kinh tế trang trại. Được địa phương giúp đỡ, tôi tham gia Dự án trồng cây mét (nứa) và trồng keo, Dự án nuôi cá lồng. Giờ đây, kinh tế gia đình tôi khá vững vàng. Mô hình này của gia đình tôi đã được nhân rộng ra các hộ nghèo trong bản".

Để triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo từ ngân sách nhà nước được thuận lợi, hiệu quả, các cấp chính quyền huyện, xã ở Con Cuông đã sớm xét chọn những hộ gia đình đúng đối tượng, đủ các điều kiện ngay từ cơ sở để tham gia. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng mô hình được công khai, minh bạch rõ ràng và kịp thời, đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch đề ra. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng vật nuôi và sử dụng máy móc nông nghiệp được triển khai kịp thời, đầy đủ, phù hợp với trình độ của người dân và dễ dàng áp dụng vào thực tiễn.

“Được sự hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phong trào xây dựng các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng đã được nhân dân đầu tư nhân rộng. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra bao tiêu sản phẩm cho người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, đây là điều chính quyền cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới”, lãnh đạo UBND huyện Con Cuông cho biết.

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua các cuộc vận động và ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” và chương trình Tết vì người nghèo, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã huy động được hơn 98 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn làm ăn, từng bước thoát được đói nghèo, vươn lên có “của ăn của để”.

Không chỉ ở địa bàn huyện Con Cuông, mô hình hỗ trợ trồng cây chanh leo ở Tri Lễ, huyện Quế Phong; mô hình nuôi lợn nái đen, gà đen và trồng keo ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp cũng phát huy hiệu quả. Huyện Quỳ Hợp còn vận dụng nguồn Quỹ Vì người nghèo kêu gọi được hằng năm để hỗ trợ bê, nghé giúp người nghèo phát triển kinh tế.

“Chúng tôi chỉ trích một phần nhỏ hỗ trợ các hộ nghèo đón Tết, còn lại để ủng hộ các hộ ký cam kết thoát nghèo, mỗi hộ một đôi bê giống trị giá 10 triệu đồng, giúp họ có phương tiện phát triển kinh tế” - Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết.

Trong khi đó, chị Vương Thị Quyên, xóm Nà Sai (xã Lương Can, huyện Hà Quảng, Cao Bằng) sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn nên mới chỉ học đến lớp 10 chị đã phải nghỉ học đi lấy chồng. Nhà chồng chỉ có trên 2.000 m2 đất sản xuất nên gặp nhiều khó khăn. Khi có con lại ốm đâu không có tiền để lo cho con cái, nhà cửa tạm bợ. “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo nên cũng trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Chúng tôi đã được sự hỗ trợ của hội phụ nữ và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế vườn ao chuồng”, chị Quyên cho biết.

Gia đình chị Vương Thị Quyên đã mạnh dạn nuôi 3 con lợn nái, 15 – 20 con lợn thịt. Mỗi năm lợn nhà chị đẻ được 2 lứa, mỗi lứa đẻ được từ 10 - 12 con, sau đẻ 2 tháng, gia đình chị xuất bán mỗi lứa thu được từ 20 - 25 triệu đồng; lợn thịt bình quân thu được 12 - 15 tạ thịt lợn hơi. Ngoài trồng ngô, lúa để đảm bảo lương thực cho gia đình sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị đã tận dụng rơm để làm nấm, thu khoảng 15 - 20 triệu đồng mỗi vụ. Đặc biệt, gia đình chị còn trồng mỗi năm 9.000 - 10.000 cây thuốc lá, sau thu hái bán sản phẩm còn thu được 70 - 80 triệu đồng. Hàng năm, trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình chị đạt từ 150 - 170 triệu đồng.

Đến nay gia đình chị Quyên đã xây dựng được một ngôi nhà kiên cố với tổng diện tích 145m2, cuộc sống gia đình chị đã có nhiều chuyển biến rõ nét, các con được đi học. Năm 2017 gia đình chị đã thoát nghèo và được Bộ LĐTBXH tuyên dương là điển hình thoát nghèo tại cơ sở.

Chú thích ảnh
Đường giao thông được cứng hóa vào sâu các thôn bản ở xã Thạch Yên, huyện Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Bên cạnh đầu tư các dự án sinh kế, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển được triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Các công trình đầu tư hoàn thành khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giải quyết được những khó khăn cho người dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn trên nhiều địa bàn.

Tạo điều kiện vay vốn và việc làm

Tại các đô thị, công tác xóa nghèo cũng được các địa phương đẩy mạnh thông qua việc huy động, kết hợp nhiều nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo.

Bằng nhiều giải pháp tổng thể, đến giữa năm nay, phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) đã xóa xong hộ nghèo. Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư Đảng ủy phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Phường vừa mới họp Ban xóa đói giảm nghèo đánh giá, nhận xét hoàn cảnh, các tiêu chí của từng trường hợp. Theo đó, 8 hộ nghèo năm 2019 được công nhận thoát nghèo, 4 hộ chuyển sang thuộc diện cận nghèo; 7 hộ cận nghèo và có 3 hộ thoát cận nghèo. Như vậy, đến nay, phường cơ bản xóa hộ nghèo và chỉ còn 8 hộ cận nghèo.

Chú thích ảnh
Hội Phụ nữ phường Láng Hạ thăm và hỗ trợ hộ chị Bùi Thị Hồng Nhung giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Ảnh: CTV

Trong giai đoạn 2016-2019, phường Láng Hạ còn 26 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Do đó, việc xóa nghèo là mục tiêu của nhiệm kỳ 2016-2020. “Ngay khi thống kê số hộ nghèo, cận nghèo, phường đã phân loại và xác định chủ yếu là hộ thiếu lao động và hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật. Từ đó, phường có kế hoạch giao cho các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Với hộ còn thành viên trong tuổi lao động, điều quan trọng là được vay vốn và tạo việc làm. Những hộ có con cái đi học thì được hỗ trợ tạo điều kiện học hành, sau đó con em họ đi làm, giúp gia đình có thu nhập và bật lên, thoát nghèo một cách bền vững”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Láng Hạ cho biết: Trong 8 hộ nghèo năm 2019, Đảng ủy phường phân công hỗ trợ cụ thể gia đình 2 hội viên là chị Bùi Thị Hồng Nhung và Nguyễn Minh Phương. Chồng của 2 chị mất sớm, các chị một mình nuôi con ăn học, gia cảnh rất khó khăn. Chị Nguyễn Minh Phương được chi hội phụ nữ hỗ trợ tạo điều kiện bán hàng trong khu tập thể, đồng thời dọn dẹp vệ sinh khu tập thể, làm theo giờ tại các hộ. Đồng thời con trai lớn của chị đang học trường cao đẳng sắp ra trường cũng đi làm thêm phụ giúp mẹ, nên nhà chị Phương đủ điều kiện thoát nghèo trong năm nay.

Còn trường hợp chị Bùi Thị Hồng Nhung cũng được tạo điều kiện có việc làm tạp vụ tại Ký túc xá trường đại học trên địa bàn, đồng thời chi hội thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tặng quà vào các dịp ngày lễ tết. Các cháu được may tặng đồng phục, mua sách giáo khoa… Việc hỗ trợ tiền thông qua hình thức gom thu bán giấy vụ, nhựa phế thải, mổ lợn tiết kiệm… được các chi hội phụ nữ triển khai.

“Qua vận động xã hội hóa, con gái chị Nhung đang học THCS được một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và cam kết hỗ trợ đến khi cháu đến 18 tuổi”, bà Nguyễn Thị Hiền chia sẻ.

Cùng với chương trình xã hội hóa, Hội phụ nữ phường Láng Hạ tín chấp cho hơn 100 hội viên vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ lên tới 4,8 tỷ đồng để phát triển kinh tế làm nghề dịch vụ thương mại. “Một số hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế như bà Trần Thị Liên vay 20 triệu cùng chồng sửa hàng điện tử. Hộ bà Bùi Thị Khanh những năm trước vay 10 triệu buôn bán hoa quả, năm nay mở rộng bán đồ thờ cúng đã mạnh dạn vay vốn 25 triệu đồng. Bên cạnh đó là các hộ khó khăn cũng vay vốn để mở rộng làm ăn, buôn bán để có kinh tế bền vững, không bị quay trở lại cận nghèo, nghèo. Trong đó nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội chiếm phần lớn với lãi suất ưu đãi đã tạo điều kiện cho không chỉ các hộ cận nghèo mà cả các hộ khó khăn vừa thoát nghèo có vốn để duy trì sản xuất, phát triển bền vững, không tái nghèo, cận nghèo”, bà Hiền chia sẻ.

Do vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội bằng tín chấp cho hội viên nên Hội phụ nữ phường Láng Hạ phải thường xuyên đi kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn bởi nếu có nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống. “Với các hộ cận nghèo vay, chi hội nâng cao vai trò tư vấn, hỗ trợ nhau trong việc mua hàng hóa, loại hàng hóa phù hợp… Như trường hợp chị Bùi Thị Khanh còn được cấp hội hỗ trợ tu sửa nhà”, bà Nguyễn thị Hiền chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, cán bộ phụ trách mảng Lao động – Thương binh và Xã hội phường Láng Hạ cho biết: Những hộ thuộc diện cận nghèo còn lại hiện nay là những trường hợp bị bệnh, già neo đơn nên điều mà họ cần nhất hiện nay là thẻ bảo hiểm y tế để được đi khám chữa bệnh. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Xuân Tú, bà Nguyễn Thị Hòa… , hiện sống bằng trợ cấp xã hội mà không có thẻ bảo hiểm y tế thì không biết lấy tiền đâu trả tiền khám bệnh và tiền thuốc.

Bằng các nguồn vận động, trong giai đoạn 2016-2020, quỹ “Vì người nghèo” của phường Láng Hạ đã nhận được gần 907 triệu đồng. Ban xóa đói giảm nghèo, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” của phường đã trợ cấp cho hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sửa chữa nhà dột nát 2 hộ nghèo và trợ cấp khác với số tiền gần 786 triệu đồng.

Cách làm của phường Láng Hạ cũng là một trong những nhiều giải pháp mà các quận huyện trên địa bàn Hà Nội triển khai để giảm nghèo bền vững. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, một trong những yếu tố góp sức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong 5 năm qua là xác định nguyên nhân nghèo và biện pháp hỗ trợ cụ thể. Từ đó, Sở LĐTBXH Hà Nội đã tham mưu đề xuất chính sách và kế hoạch huy động nguồn vốn cho giảm nghèo. Theo đó, Hà Nội bố trí ngân sách thành phố trong 5 năm gần 9.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo.

Cụ thể, Hà Nội đã chi trên 2.900 tỷ đồng thành phố ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay các chương trình: Giải quyết việc làm, vay sản xuất kinh doanh, dịch vụ, vay xây dựng nhà ở, xây dựng nông thôn mới...

Đồng thời, Hà Nội bố trí gần 5.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người nghèo, hộ nghèo. Trong đó, chi 683,1 tỷ đồng đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; 4.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng; gần 98 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện; trên 33 tỷ đồng miễn, giảm học phí cho học sinh có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trên 15 tỷ đồng trợ cấp cho người già yếu, ốm đau không có khả năng lao động thoát nghèo; trên 26,7 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo cô đơn, mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật đặc biệt nặng mà trong hộ không có người còn khả năng lao động; trên 52,3 tỷ đồng quà tết cho hộ nghèo... Với tổng thể chính sách hỗ trợ, Hà Nội dự tính đến năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo.

Tính đến đầu năm 2020, theo chuẩn Trung ương, Hà Nội còn 4.112 hộ nghèo, chiếm 0,2% và có 3.939 hộ cận nghèo, chiếm 0,19% tổng số hộ dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm từ 2,97% năm 2016 xuống còn 0,2%.

Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, trong 5 năm qua, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, các địa phương đã tùy vào từng điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, tập quán, điều kiện tự nhiên... đã huy động các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2016 xuống còn 3,75% năm 2019 và dự kiến dưới 3% năm 2020. Việc điều chỉnh sách hỗ trợ giảm nghèo ở tầm vĩ mô và hướng tập trung đầu tư các công trình hạ tầng cho vùng lõi nghèo kết hợp với dự án tạo sinh kế, trợ giúp từ các kênh xã hội đã mang lại những hiệu quả nổi bật về giảm nghèo.

Bài 2: Xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Xuân Minh – Bích Huệ/Báo Tin tức
Giảm nghèo đa chiều để phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến nâng cao chất lượng sống
Giảm nghèo đa chiều để phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến nâng cao chất lượng sống

Tạo dựng chính sách tác động mang tính bảo phủ toàn diện hộ nghèo, để không còn chuyện bình bầu, xin vào hộ nghèo; đồng thời khích lệ ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại là mục tiêu cốt lõi của giảm nghèo đa chiều. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn ông Tô Đức, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) xung quanh chủ đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN