Hiện trên cả nước có khoảng 400 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost (phân hữu cơ) tập trung, trên 900 bãi chôn lấp, trong đó có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Một số cơ sở áp dụng phương pháp đốt chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng để phát điện hoặc có kết hợp nhiều phương pháp xử lý khác nhau.
Với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý, quy mô cấp huyện, liên huyện như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (Hà Tĩnh), Hưng Yên, Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Cần Thơ... Điển hình là tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước). Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 8 dự án với công suất xử lý 11.100 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 157MW.
Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn. Điển hình là thành phố Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ vào hoạt động với công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu Kwh/năm; thành phố Hải Phòng đã vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát với công nghệ sản xuất rác thải thành phân bón hữu cơ với công suất xử lý 200 tấn rác và 40 tấn bùn/ngày.
Đưa ra giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, cần khuyến khích tái chế, tái sử dụng, xây dựng các chương trình khuyến khích người dân phân loại chất thải, thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng các vật liệu như giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất, tiếp thị các sản phẩm tái chế… Phát triển công nghiệp chế biến chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến chất thải để tách, tái chế các thành phần của chất thải sinh hoạt. Điều này sẽ tạo ra nguồn cung mới cho các nguyên liệu tái chế, giúp giảm tải lên môi trường.
Xây dựng hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải để tối ưu hóa quá trình xử lý và tái chế. Sử dụng các công nghệ tiên tiến như xử lý sinh học, xử lý nhiệt, hay công nghệ chất thải thành năng lượng để tạo ra sản phẩm tái chế và năng lượng sạch.
Ngoài ra, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt, như biogas từ quá trình phân hủy sinh học, để sản xuất điện và nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp giảm sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch và giảm khí thải nhà kính.
Thúc đẩy kinh doanh xanh, khuyến khích sự phát triển các doanh nghiệp, dự án kinh doanh xanh liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kinh tế tuần hoàn. Điều này bao gồm các ngành công nghiệp tái chế, công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm từ chất thải, các dịch vụ quản lý chất thải.