Sáng 12/8, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, trong những năm qua, sự gia tăng dân số cùng với phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng dẫn đến phát sinh lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam. Trước thực trạng đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành và địa phương liên quan, đã có rất nhiều nỗ lực nhằm tăng cường năng lực thu gom vận chuyển và giảm thiểu tác động của chất thải rắn sinh hoạt như: các giải pháp về công nghệ, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, ưu đãi về thuế, phí…
Tuy nhiên bên cạnh các tác động tích cực còn nhiều hạn chế như: phân loại rác tại nguồn mới mang tính thử nghiệm, chưa nhân rộng được; sự tham gia của các thành phần doanh nghiệp và cộng đồng cư dân với hạt nhân là hộ gia đình chưa đủ mạnh và phát huy hết năng lực, tiềm năng vốn có… Do đó, hội thảo này diễn ra với mục đích tham vấn các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, nhằm đề xuất được các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của nước ta.
Đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (lượng chất thải rắn sinh hoạt rất lớn; phương thức quản lý tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt kết quả mong muốn; thực hiện các quy hoạch chất thải rắn gặp nhiều khó khăn do các quy định pháp luật chưa phù hợp; hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhân lực cần thiết chưa đáp ứng được thực tế, nhiều bất cập…). Do đó, theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình có thể tự phân loại chất thải tại nguồn và tham gia một phần quá trình tái chế, tái sử dụng và xử lý ban đầu chất thải từ nguồn, nhất là thực phẩm thừa và chất thải hữu cơ từ nhà bếp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiện toàn mô hình phối hợp nhà nước và doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm cả công tác giám sát, hậu kiểm quá trình và kết quả thực hiện các dịch vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt liên quan và pháp lý hóa để áp dụng được trên thực tế.
Nghiên cứu, đề xuất mô hình tiên tiến doanh nghiệp và hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Thị Thanh, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ quan chức năng nên sớm tiến hành thu phí vệ sinh theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ phân loại chất thải rắn sinh hoạt thải sinh hoạt tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Hơn nữa, cơ quan chức năng cần công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, theo đó, dần hạn chế hình thức đặt hàng, giao kế hoạch cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cho các doanh nghiệp nhà nước, tiến tới để giá đấu thầu quyết định đơn vị trúng thầu. Đối với các chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt cần phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cùng nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và người gây ô nhiễm cùng người hưởng lợi đều phải trả tiền.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận những nội dung trọng tâm liên quan đến pháp luật, chính sách hiện hành; sự tham gia của các đoàn thể, nhân dân và một số mô hình tiên tiến doanh nghiệp, hộ gia đình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp về cơ chế chính sách phù hợp thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam.