Phát biểu tại tọa đàm, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đồng Xuân Thụ cho biết, toạ đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị trực tiếp thu gom, xử lý chất thải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đóng góp ý kiến về các quy định mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08). Đây cũng là căn cứ để Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tập hợp ý kiến của các đơn vị, từ đó thực hiện văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét sớm xây dựng, ban hành định mức kinh tế- kỹ thuật, định mức chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08.
Các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam; kiến nghị từ cơ sở trực tiếp thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Tham luận tại tọa đàm, đại diện Công ty cổ phần môi trường đô thị Lào Cai cho biết, đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa bản đồ các tuyến thu gom, vận chuyển rác thải; giám sát công tác thu gom, vận chuyển rác thải và công tác phân loại rác tại nguồn; sử dụng phần mềm tin học để thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bằng thiết bị di động thông minh theo một quy trình liền mạch, tích hợp hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền dịch vụ; đơn vị thực hiện công tác thu phí dịch vụ chưa được tính phần trăm từ số tiền thu được.
Đề cập giá dịch vụ, đại diện Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, nhiều năm trở lại đây, việc tham mưu điều chỉnh bộ đơn giá chưa được thực hiện gây khó khăn cho đơn vị cung ứng dịch vụ công ích trong việc thương thảo, hợp đồng với cơ quan, tổ chức, khách hàng không sử dụng ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến chế độ chính sách cho người lao động.
Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thiếu đồng bộ và chưa phù hợp. Do phân cấp cho UBND cấp huyện ban hành mức giá cụ thể dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng cho đối tượng cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải tại địa phương, dẫn đến mỗi địa phương ban hành một mức khác nhau tạo sự thiếu đồng bộ, thống nhất trên toàn thành phố. Giá dịch vụ thu gom thủ công cao gấp 2 lần so với giá thu gom bằng cơ giới đã không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, đối với thực trạng tính phí thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải tại Việt Nam, mức thu giá vệ sinh môi trường đối với hộ gia đình còn rất thấp.
Cụ thể, tại Hà Nội, mức thu hiện nay đối với mỗi người chỉ ở mức 6.000 đồng/tháng đối với nội thành, 3.000 đồng/tháng với ngoại thành; tại Đà Nẵng là 20.000 đồng/tháng/ hộ gia đình; tại Thành phố Hồ Chí Minh, hộ gia đình nội thành nhà mặt tiền ở chung cư cao cấp, hạng I, hạng II là có mức thu là 22.000 đồng/tháng; hộ gia đình nội thành có nhà trong hẻm, hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng. Trong khi đó, công nhân lao động làm việc trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đa phần xuất phát là người lao động nghèo, lao động nữ, làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc, chủ yếu làm việc vào ca đêm (kể cả trong điều kiện thời tiết mưa gió).
Theo Phó Tổng giám đốc URENCO, mức lương cho công nhân vệ sinh môi trường là 5.162.850 đồng/người/tháng, sau khi nộp 10,5% tiền bảo hiểm xã hội thì người lao động chỉ còn lại là 4.620.750 đồng/người/tháng. Mức lương này không đảm bảo đời sống cho người lao động, việc lương thấp gây khó khăn trong công tác tuyển dụng và công nhân không gắn bó lâu dài với công việc.
Ông Phạm Văn Đức kiến nghị, đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường, các cơ quan quản lý cần tính toán, ban hành lại đơn giá, đảm bảo tính đúng tính đủ các thành phần cấu thành giá như: nhân công, ca máy, khấu hao... ; sớm ban hành về đề án giá dịch vụ vệ sinh môi trường theo Luật Môi trường năm 2020 và lộ trình thực hiện; điều chỉnh lại cấp bậc thợ bình quân tối thiểu là 4/7 để đảm bảo đời sống lao động; xem xét tính toán bổ sung kinh phí thực hiện công tác phân loại rác vào đơn giá duy trì vệ sinh môi trường; khuyến khích thực hiện công tác phân loại và tái chế rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, khi có các thay đổi, biến động lớn về giá nhiên liệu, vật tư... các cơ quan quản lý cần có phương án kịp thời điều chỉnh giá tương tự như giá vật liệu trong công tác xây dựng cơ bản.