Giải 'bài toán' nguồn nhân lực, tạo đột phá phát triển - Bài cuối: Giải pháp đồng bộ

Nguồn lao động chất lượng cao là động lực để Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Để thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn lao động chất lượng cao đòi hỏi các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, trong đó, chú trọng phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo, nhà khoa học - chuyên gia và doanh nghiệp, đơn vị nơi sử dụng lao động.

Chú thích ảnh
Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên cánh đồng lúa ST24 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: Tuấn Phi/TTXVN

Tăng cường hợp tác đào tạo

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, một trong các giải pháp tỉnh đang triển khai là tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín để tổ chức đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động dịch vụ việc làm đảm bảo về số lượng, chất lượng, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Sóc Trăng duy trì và phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dịch vụ việc làm công lập đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động dịch vụ việc làm chất lượng cao, giúp người lao động tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. Tỉnh phấn đấu thời gian tới có 100% trường cao đẳng đạt điều kiện đối với kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt các tiêu chuẩn ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực ASEAN.

Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập. Tỉnh thực hiện trao đổi giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, chuyên gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo vừa nâng cao chất lượng nguồn lao động, vừa tạo việc làm cho người lao động.

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng ký kết hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược phát triển của tỉnh. Trường Đại học Cần Thơ làm đầu mối liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài cùng với các chương trình liên kết, hợp tác quốc tế, hỗ trợ Sóc Trăng thực hiện hiệu quả các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên ngành về khoa học công nghệ. Trường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ phụ trách kỹ thuật ở địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu, các cơ sở sản xuất, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và nông dân trực tiếp sản xuất ở các địa phương của Sóc Trăng.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp - một trong  các ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao, sự giao thương nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp các giá trị văn hóa - xã hội và môi trường. Do đó, lao động lĩnh vực nông nghiệp cần được trang bị các kiến thức mới về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.

Giai đoạn 2023 - 2025, Sóc Trăng đề ra mục tiêu đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp cho trên 7.260 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 90%. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban, ngành, địa phương để tập trung đào tạo nghề theo hướng chuyên sâu, thời gian tập trung học nghề dài hạn, thay đổi phương pháp dạy nghề ngắn hạn khiến học viên không đủ thời gian rèn nghề như hiện nay. Tỉnh cùng với các ngành chức năng định hướng ngành nghề, đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, chuyên sâu, giúp người học khi tốt nghiệp có thể phát triển các dịch vụ tương ứng các vị trí việc làm như: công nhân nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, làm vườn…

Với lĩnh vực du lịch, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm, nhằm góp phần đưa du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Sở phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường tổ chức đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, giỏi tay nghề. Sóc Trăng cũng đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm giáo dục và đào tạo trong và ngoài vùng, trao đổi với chuyên gia, nhà khoa học để học hỏi kinh nghiệm về xu thế phát triển du lịch ứng dụng công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nguồn lao động du lịch, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng “mềm” trong kinh doanh du lịch.

Giai đoạn 2022 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 400 lao động lĩnh vực du lịch. Giai đoạn 2025 - 2030, Sở dự kiến tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nghiệp vụ cho 900 lao động lĩnh vực du lịch. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, 80% lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tạo điều kiện tham gia thị trường lao động

Gắn đào tạo với sử dụng lao động, tỉnh Sóc Trăng quan tâm các biện pháp tạo việc làm, hỗ trợ lao động qua đào tạo nghề tham gia hiệu quả vào thị trường lao động.

Theo bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, Khu Công nghiệp An Nghiệp có khoảng 50 doanh nghiệp với trên 37.500 lao động, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đạt trên 97%. Các khu công nghiệp như Trần Đề, Nam sông Hậu, cụm công nghiệp Xây Đá B đang được hoàn thiện. Một số khu, cụm công nghiệp khác trong tương lai sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư, cơ hội giải quyết việc làm tại tỉnh sẽ gia tăng trong vài năm tới. Nguồn lao động trẻ của tỉnh Sóc Trăng dù dồi dào nhưng năng suất chưa cao. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường đầu tư, trang bị các thiết bị, phương tiện tiên tiến cho các cơ sở đào tạo nghề, đổi mới giáo trình giảng dạy, hội nhập với công nghệ mới, giúp học viên tiếp cận trình độ tiên tiến, thích nghi với công việc sau khi ra trường.

Để thu hút lao động chất lượng, các ngành và doanh nghiệp cần có chính sách thu hút và đãi ngộ lao động phù hợp. Doanh nghiệp cần phối hợp với các trường, cơ sở dạy đào tạo nghề tăng cường tổ chức cho người học đến thực tập tại doanh nghiệp để sớm có thu nhập ngay trong thời gian thực tập, thử việc và có việc làm ổn định sau khi học xong. Người lao động cần có ý thức tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có thu nhập ngày càng cao, bà Thanh đề xuất.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đã tích cực khảo sát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động trình độ trung cấp đến cao đẳng, trình độ đại học trở lên của các doanh nghiệp. Ban Quản lý phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, thông tin để người lao động có nhu cầu tìm việc thuận lợi trong đăng ký dự tuyển tại doanh nghiệp.

Theo phương án phát triển hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế được phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn đến năm 2050: dự kiến đến năm 2025, tỉnh có 4 khu công nghiệp hoạt động và đến năm 2030 có 10 khu công nghiệp hoạt động. Theo đó, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp sẽ tăng cao. Thời gian tới, Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường nắm bắt nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, đơn vị cung cấp thông tin cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chính quyền địa phương để kết nối với doanh nghiệp trong tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại lao động. Đồng thời, tạo điều kiện để học sinh các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở đến tham quan, thực hành tại các doanh nghiệp khu công nghiệp, góp phần định hướng giáo dục nghề nghiệp phù hợp.

Trà Hiếu Hưng (TTXVN)
Giải 'bài toán' nguồn nhân lực, tạo đột phá phát triển - Bài 1: Đáp ứng nhu cầu thực tế
Giải 'bài toán' nguồn nhân lực, tạo đột phá phát triển - Bài 1: Đáp ứng nhu cầu thực tế

Một trong ba khâu đột phá chiến lược Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định ở giai đoạn 2020-2025 là đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đánh giá đúng thực trạng, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh phát triển khá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN