Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh gần 770.000 người (lao động khu vực thành thị chiếm 23,81%; lao động khu vực nông thôn chiếm 76,19%); trong đó, số lao động trong độ tuổi có việc làm khoảng 620.000 người. Giai đoạn 2016 - 2022, số lượng, chất lượng lao động của tỉnh được nâng lên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, từng bước chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Người lao động từng bước tiếp cận được với nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là những ngành có tay nghề cao để đáp ứng với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi tăng từ 78,95% vào năm 2016 lên 83,25% vào năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng nâng lên, năm 2016 là 53,75%, đến năm 2022 tăng lên 62,31%. Người lao động có việc làm sau đào tạo nghề chiếm 89,16%.
Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo của tỉnh vẫn còn cao, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt thấp, cuối năm 2022 mới đạt 28,65%. Công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh sang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hằng năm còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, chế độ lương, đãi ngộ còn chưa cao, chưa thu hút nhiều lực lượng lao động trong tỉnh (khoảng 160.000 người làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh).
Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ có 10 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp; nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư. Vì vậy tỉnh cần số lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao. Dự kiến, nhu cầu lao động mới tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp giai đoạn 2023 - 2025 là 66.000 lao động, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200.000 lao động.
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Sóc Trăng sớm rà soát, chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn tỉnh về việc làm, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội, tập trung vào các nội dung như: kỹ năng lao động, việc làm thỏa đáng và an sinh xã hội bền vững. Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, các giải pháp cần tính tới sự liên kết tỉnh, liên kết vùng; đầu tư, nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng kết nối liên tỉnh, liên vùng, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Sóc Trăng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ưu tiên phục vụ các ngành mũi nhọn, có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển...
Tại hội thảo, tham luận của các đơn vị quản lý, ngành chuyên môn, doanh nghiệp, viện, trường đại học…đã đóng góp các ý kiến thảo luận tập trung vào các chương trình mục tiêu để đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, người lao động.
Đại diện Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tỉnh cần tranh thủ các nguồn lực để tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, góp phần hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Công tác thu thập thông tin thị trường lao động cần được chú trọng, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người, làm cơ sở cho việc cung cấp, phân tích, dự báo thị trường lao động, phục vụ tốt cho công tác tư vấn, kết nối việc làm trong, ngoài nước của Trung tâm.
Nhiều ý kiến khuyến nghị đến Sóc Trăng cần tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên trong địa bàn có cơ hội hợp tác liên kết đào tạo với các viện, trường, đáp ứng nhu cầu đào tạo của địa phương và xã hội. Điển hình là đại diện lãnh đạo trường Đại học Cần Thơ đề xuất tỉnh cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ở các trường về các nội dung liên quan đến quản lý và phát triển trường học. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng nâng cao chất lượng nguồn lao động gắn với đưa người lao động đi làm việc, thực tập sinh, du học ở nước ngoài. Trường Đại học Cửu Long đề xuất tỉnh cần bổ sung chính sách, tạo điều kiện thu hút người có trình độ chuyên môn cao, các nhà quản lý giỏi, chuyên gia đến làm việc tại tỉnh… Các ý kiến cũng đề nghị Sóc Trăng cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng loại hình trường, phát triển các trường ngoài công lập; xây dựng trường chất lượng cao ở các bậc học…
Dịp này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký kết Bản ghi nhớ thiết lập hợp tác giữa UBND tỉnh với trường Đại học Cần Thơ; Ghi nhớ thiết lập hợp tác giữa UBND tỉnh với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai.