Về vấn đề này, theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, căn cứ quy định tại, khoản 2 Điều 24 Bộ Luật lao động năm 2019, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; thời gian thử việc không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, người lao động làm việc theo hợp đồng thử việc cũng không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 43 Luật Việc làm 2013.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số trường hợp người sử dụng lao động tính cả thời gian thử việc vào hợp đồng lao động sau khi người lao động đã hoàn thành thời gian thử việc và được nhận vào làm việc chính thức cho người sử dụng lao động đó. Để có căn cứ giải quyết thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho người lao động trong trường hợp này, Công văn số 2447/LĐTBXH-BHXH, ngày 26/7/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có quy định việc người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cả thời gian thử việc. Như vậy, nếu thời gian thử việc của bạn được thỏa thuận và ghi vào trong Hợp đồng lao động thì bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp hợp đồng thử việc dưới 3 tháng tách rời với hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì hợp đồng thử việc đó không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc.
Như vậy, việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc được thực hiện như sau: Nếu hợp đồng thử việc tách rời, tức thời gian thử việc không được ghi vào hợp đồng lao động thì thời gian thử việc thực hiện theo hợp đồng thử việc và khi đó người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.