Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), nhiều địa phương trên cả nước triển khai các hoạt động chào mừng thiết thực, ý nghĩa.

* Ngày 20/11, tại thành phố Hạ Long, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tuyên dương nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc năm học 2022 - 2023.

Chú thích ảnh
Bốn tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua. Ảnh: TTXVN phát

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh gặp hái nhiều thành công và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho 4 tập thể và Bằng khen cho 12 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều Bằng khen tập thể, cá nhân và tôn vinh 2 nhà giáo tiêu biểu. UBND tỉnh công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho 11 cá nhân…

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp trồng người, coi trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh. Năm 2023, Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ trên 31,3 tỷ đồng quan tâm, chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số. Tỉnh ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây dựng trường học theo tiêu chí chất lượng cao, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn. Phấn đấu đến năm 2025, mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất một trường công lập, mỗi thành phố, thị xã có một trường trung học phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới công tác quản trị trường học theo hướng hiện đại, dám nghĩ, dám làm, biết cách làm và làm có hiệu quả, vì lợi ích chung. Mỗi thầy cô giáo nêu cao hơn nữa tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo để đưa ra hình thức dạy học, phương thức dạy học phù hợp; có tiết dạy, bài giảng tốt nhất đáp ứng mong đợi của mỗi học trò cũng như phụ huynh và toàn xã hội.

Địa phương đang hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông, phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục - đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Tính đến năm học 2023 - 2024, tỉnh Quảng Ninh có 638 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện và gần 350 cơ sở giáo dục thường xuyên khác.

* Ngày 20/11, tại thành phố Cần Thơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023) trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Chú thích ảnh
Tặng quà cho các giáo viên tiêu biểu. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, nguồn nhân lực lao động được xem là tài sản quan trọng nhất của mỗi địa phương. Việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực là điều tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cần Thơ đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%. Hiện nay tỷ lệ này là 82,5%.

Để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Thực Hiện cho rằng, bên cạnh chính sách vĩ mô của thành phố, ngành cần có hoạt động điểm nhấn, cũng như lộ trình cụ thể.

Đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, liên kết chặt chẽ với đơn vị liên quan tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với nhau, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, giữa cơ sở đào tạo với các trường trung học phổ thông để hướng nghiệp học sinh, từ đó đào tạo nhân lực nghề chất lượng cũng như thu hút người tài đến và làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long...

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp được các cấp, ngành chú trọng và đã đạt được những bước tiến quan trọng về số lượng, chất lượng. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố, đầu tư và phát triển; năng lực đào tạo ngày càng nâng cao về số lượng, chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 67 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 13 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 cơ sở khác có dạy nghề.

Tổng số ngành nghề đang được tổ chức đào tạo hiện nay tại thành phố Cần Thơ là khoảng 80 ngành, nghề với các cấp trình độ khác nhau. Nhiều nghề được đầu tư trọng điểm với các cấp trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và quốc gia.

Năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển mới và đào tạo ước đạt 45.680 người, đạt 101,51% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo (kể cả có bằng cấp, chứng chỉ và không có bằng cấp chứng chỉ) đến cuối năm 2023 ước đạt là 82,5%.

* Ngày 20/11, Đoàn cán bộ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Bạc Liêu do ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu làm Trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tại các nơi đến như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị Châu Văn Đặng, Trường Đại học Bạc Liêu…, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Giáo dục nói chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng đạt được thời gian qua.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đánh giá cao vai trò giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh; xem đây là nhóm lĩnh vực nằm trong 5 trụ cột quan trọng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn, Ban lãnh đạo và các thầy, cô giáo không ngừng nỗ lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có nhiều đổi mới, đột phá về phương pháp giảng dạy. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của sinh viên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển ngày càng cao trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề ở giai đoạn mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước cập nhật phương pháp giảng dạy, quản lý mới, phù hợp xu thế của thời đại công nghiệp 4.0. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thích ứng tốt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội.

Cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục hứa quyết tâm, nỗ lực trong công tác giảng dạy, học tập, tiếp tục có đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Trước đó, nhân chuyến công tác tại Bạc Liêu, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm, chúc mừng Nhà giáo ưu tú Tăng Thị Mỹ Hạnh, nguyên Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, đang nghỉ hưu theo chế độ tại phường 1, thành phố Bạc Liêu nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Văn Đức - Ánh Tuyết - Chanh Đa (TTXVN)
Các địa phương của huyện Trường Sa gặp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Các địa phương của huyện Trường Sa gặp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Ngày 20/11, các xã, thị trấn của huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023). Tham dự có đại diện chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ, các thầy giáo, phụ huynh và học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN