Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các trường Đại học, Cao đẳng là một trong những giải pháp mang tính vĩ mô và lâu dài để phát triển bền vững. Đối với tỉnh Hải Dương, số cơ sở giáo dục Đại học không nhiều và xét thấy nhu cầu sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương là phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh. Việc này nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương. Nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh đào tạo khối ngành sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ thông và nhu cầu của địa phương; rà soát lại cơ cấu để mở thêm nhiều ngành nghề địa phương có yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng yêu cầu, trường cần tập trung vào những nhiệm vụ như: đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục hiệu quả sau khi sáp nhập; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Trường Đại học Hải Dương và Trường Cao đẳng Hải Dương chưa hoàn thành trước khi sáp nhập. Đơn vị cần đảm bảo chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động để hoàn thành sứ mệnh của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực; từng bước hoạch định chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo các mã ngành sư phạm, kinh tế, thực hiện kết nối Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, phát triển đào tạo các ngành trọng điểm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Việc sáp nhập hai trường là một trong những mục tiêu được đề ra trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Để thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, quyết định nhất. Hiện nay, tại địa phương, lao động phổ thông vẫn chiếm số đông, số lượng chuyên gia kỹ thuật cao thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn. Tỉnh còn thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao. Đây là một trở ngại lớn cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Hải Dương. Vì vậy, việc phát triển một trường Đại học đa ngành, đặc biệt là lĩnh vực sư phạm, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế là yêu cầu cấp thiết, đột phá trong phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Sau sáp nhập, Trường Đại học Hải Dương gồm 4 cơ sở, trong đó, trụ ở chính tại Khu đô thị phía Nam thành phố Hải Dương. Trường gồm 8 phòng chức năng, 11 khoa, 2 trung tâm (Trung tâm tin học - ngoại ngữ, Trung tâm Liên kết đào tạo, bồi dưỡng) và 4 trường Mầm non, Phổ thông. Trường có hai ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là Kế toán và Quản lý kinh tế; 18 ngành đào tạo trình độ Đại học chính quy và một ngành đào tạo Cao đẳng chính quy giáo dục Mầm non. Trường mở mới 6 ngành đào tạo giáo viên trình độ Đại học gồm: Giáo dục Mầm mon, Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Khoa học tự nhiên.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương cho lãnh đạo nhà trường. Trường Đại học Hải Dương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã ký thỏa thuận giữa ba bên về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển các khu công nghiệp.