“Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến một trong ba đột phá, đó là phát triển nguồn nhân lực”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ, nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động chưa có sự bứt phá. Do vậy, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung, cao đẳng, đại học, cao học và đào tạo giáo sư, tiến sĩ.
“Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới…”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.
Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động, nhưng xuất phát điểm phải xuất phát từ nguồn lực, Việt Nam có thể đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sáng cùng ngày, đã có một số ý kiến nêu tại phiên họp cho rằng lĩnh vực nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và bày tỏ đặc biệt quan tâm tới nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), hiện số liệu về nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với yêu cầu đặt ra, đồng thời, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết các dự án về nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp ra tăng.
Vậy Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trung tâm nghiên cứu phát triển doanh nghiệp này không? đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đặt câu hỏi.